Để đến với các trường học ở xã Hữu Khuông xa xôi nhiều thầy cô đã phải vượt hàng trăm cây số, trong đó có gần 40km đường thủy trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Đây là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Nghệ An và cả nước, nằm biệt lập giữa núi rừng và lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Cuộc sống đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn.
Thế nhưng, ở vùng đất ấy lại có những tình cảm đặc biệt tình nghĩa giữa thầy và trò mà ở chốn thị thành khó tìm thấy.
Những con thuyền đưa thầy cô, người dân đến với "ốc đảo" xã Hữu Khuông. Ảnh: Quốc Huy |
Tiếng trống báo hết buổi học ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú – THCS Hữu Khuông, các thầy cô xếp phấn vào một chiếc hộp nhỏ, bỏ tập giáo án vào cặp rồi đi bộ về khu nội trú giáo viên.
Trên đường đi, thầy giáo Lô Thanh Dũng bất ngờ nhận được chùm mây của học sinh mang đến tặng.
“Hôm nay bố mẹ học sinh đi thuyền ra UBND xã tiêm vắc xin Covid, tiện thể có bó mây trên rừng mang cho thầy nấu canh. Đó là những món quà mà các thầy cô ở trường nhận được trong những ngày này” – thầy Lô Thanh Dũng tay cầm cặp sách và bó rau chia sẻ.
Cổng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Hữu Khuông... |
... thầy Lô Thanh Dũng (ở giữa) tay cầm bó mây do một em học sinh tặng. Ảnh: Quốc Huy |
Với 19 năm dạy học ở các trường vùng biên giới Nghệ An, thầy Dũng cho biết luôn nhắc nhở đến học sinh về tháng “tôn sư trọng đạo”, truyền đạt với bố mẹ hiểu hơn về ngày 20/11, không đặt vấn đề quà cáp.
Theo thầy Dũng, ngay từ những ngày đầu tháng 11, nhiều thầy cô đã nhận được những món quà như bó rau cải, hoặc những đùm măng còn chưa luộc, mà có khi học sinh mang đến trường thì đã bị hỏng rồi.
Ngày 20/11 hàng năm, giáo viên còn nhận được những bó hoa dại do học sinh mang đến tặng.
Đó là tình cảm rất đáng trân quý của phụ huynh và học sinh.
“Những bông hoa được các em ghép lại rất giản dị, khéo léo đặt lên bàn của thầy cô, ai cũng cảm động” – thầy Dũng bộc bạch.
Những bông hoa dại ven đường sẽ là món quà mà các em học sinh hái tặng các thầy, cô đang đứng lớp dạy học ở xã 'ốc đảo' Hữu Khuông. Ảnh: Quốc Huy |
Các giáo viên ở đây tâm sự, xã Hữu Khuông là địa phương khó khăn nhất huyện miến núi Tương Dương. Thầy cô đến với nơi này đều bằng tình yêu nghề, mến trẻ, mong muốn giúp đỡ các em học sinh nơi đây tiến bộ hơn. Là giáo viên chủ nhiệm, thầy Dũng luôn động viên các em chịu khó học tập, cố gắng thi vào cấp 3 hoặc học nghề.
Thầy Lô Thanh Dũng cầm bó mây rừng mà học sinh vừa mang tặng thầy trong những ngày đầu tháng 11.2021. Ảnh: Quốc Huy |
“Ngay ở xã Hữu Khuông có rất nhiều cán bộ từ các địa phương khác đến làm việc, dù rất xa xôi. Mong các em học tốt lên để sau này quay về địa phương cống hiến, làm giàu cho quê hương. Hoặc các em học nghề để có thể vào các doanh nghiệp làm việc…” – thầy Dũng nói.
Cũng theo thầy Dũng, điều đáng mừng là những năm học vừa qua, phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn về việc học tập của con cái.
Chuyện nhói lòng từ những ngôi trường ở lại sau cuộc di dân lịch sử
Nằm ở thượng nguồn lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) được ví là ốc đảo nơi miền Tây xứ Nghệ. Các giáo viên đều phải gửi xe ở bến, đi thuyền từ thượng nguồn nhà máy thủy điện vào dạy học.
Quốc Huy