Âm nhạc đánh thức nhân tính
Tháng 8/2020, hơn 100 người đến từ nhiều quốc gia thực hiện MV ca khúc Heal the world. Sản phẩm được thực hiện nghiệp dư này thu hút hàng triệu lượt xem.
Trong bối cảnh toàn cầu đương đầu với dịch bệnh, thiên tai, xung đột sắc tộc, vang lên giai điệu: Hãy hàn gắn thế giới/ Biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn/ Cho bạn và cho tôi/ Và cho cả nhân loại. Thay vì những bài diễn thuyết, lời kêu gọi khô cứng, giai điệu và ca từ của âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung và đặc biệt khiến công chúng tự động xích lại gần nhau.
Phát hành năm 1992, Heal the world đề cập đến cuộc sống của những đứa trẻ lớn lên trong mất mát, đau thương do người lớn tạo ra. Những thông điệp trong ca khúc của Michael Jackson chưa bao giờ cũ. Blogger Phạm Thu Hương chia sẻ: “Những lúc không muốn thiết tha với thế giới, bài Heal the world lại từ đâu bỗng xuất hiện và cho tôi niềm tin để tiếp tục công việc và cuộc sống”. 29 năm qua, Heal the world chưa bao giờ thôi vang vọng tại trường học, sân bóng, chương trình truyền hình, lễ tưởng niệm, các sự kiện cộng đồng…
Hệ sinh thái âm nhạc hiện sinh của Michael Jackson là những vấn đề của nhân loại như Earth song đề cập đến môi trường và các loài động vật bị tuyệt diệt, We are the world đau đáu về nạn đói ở châu Phi, đặc biệt là trẻ em, kêu gọi hòa hợp chủng tộc trong Black or White hay sự thay đổi của thực tại và cách con người nhìn nhận thế giới ở Man in the mirror.
Năm 2010, trận động đất ở Haiti gây ra những tổn thất, mất mát lớn tại quốc gia này. Ngay lúc đó, nhiều nghệ sĩ đã cùng nhau hòa giọng ca khúc We are the world như lời động viên người dân trong vùng thiên tai, toàn bộ lợi nhuận của đĩa nhạc được quyên góp cho người dân Haiti.
Gia tài âm nhạc của Jackson nói riêng và âm nhạc Mỹ nói chung minh thị vai trò trong chiều dài 245 năm lịch sử nước Mỹ. Đó là Liberty Song, God bless the USA, The world turned upside down… hiệu triệu tinh thần yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân tộc; The star-spangled banner, God bless America, This land is your land… là những khúc ca chứa đựng bản sắc tinh thần Mỹ; A different beat của Boyzone, Lift every voice and sing của anh em nhà Johnson, Ain't got no, I got life của Nina Simone, Another day in Paradise của Phil Collins,… hướng tới sự đồng lòng, ủng hộ bình đẳng giới cũng như chống phân biệt chủng tộc.
Thế giới với những câu chuyện âm nhạc mang hơi thở nhân loại và âm nhạc của Việt Nam có thể tự hào đứng trong dòng chảy đó.
Michael Jackson trình diễn cùng các trẻ em tại sự kiện Super Bowl năm 1993. |
Nhìn về âm nhạc Việt Nam: Từ khát vọng tự do đến trách nhiệm cộng đồng
Năm 2020, Ghen Cô Vy được viết lại lời trên nền nhạc ca khúc Ghen của Khắc Hưng do Erik thể hiện, vũ điệu rửa tay của vũ công Quang Đăng với những động tác đơn giản làm mưa làm gió không chỉ ở Việt Nam mà lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới. Ca khúc được giới thiệu trên kênh truyền hình HBO, làn sóng các nghệ sĩ, người dân khắp thế giới cover bằng nhiều thứ tiếng, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Hơn cả những bài diễn thuyết kêu gọi, hơn cả những áp phích cổ động, thông điệp 5K của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 được lan tỏa mạnh mẽ. Nhà nhà đều nhớ: Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều/ Đừng cho tay lên mắt mũi miệng/ Và hạn chế đi ra nơi đông người/ Đẩy lùi virus Corona, Corona. Đến tháng 3/2020, ca khúc đã có 116 triệu lượt xem trên YouTube, TikTok đạt 14 triệu lượt xem và hơn 7.000 video
Sau Ghen Cô Vy, tinh thần chống dịch lan tỏa trong giới nhạc sĩ, nhiều ca khúc mới, nhiều bản cover được ra đời ngay lập tức như Cười lên Việt Nam của nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình, Việt Nam ơi của Minh Beta được viết lại lời mới, nhạc sĩ Tú Dưa, ca sĩ Tuấn Hưng đều ra ca khúc mới tuyên truyền chống dịch. Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng cho ra mắt tuyển tập Niềm tin gồm 60 ca khúc tuyên truyền chống dịch.
Có thể nói, âm nhạc đã góp phần trong cuộc chiến chống dịch của Việt Nam hiệu quả theo cách rất riêng.
Không chỉ ở hiện tại mà nhìn về lịch sử, âm nhạc Việt kết nối cộng đồng mạnh mẽ nhất. Nền âm nhạc Việt Nam được kiến tạo phong phú và giàu bản sắc qua từng thời kỳ lịch sử. Bắt đầu từ Tiến quân ca của Văn Cao và sau này trở thành quốc ca như một chất xúc tác liết kết mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng giành tự do độc lập. Nếu Bài ca hy vọng hiệu triệu tinh thần Việt Nam trong kháng chiến thì Tình ca của Phạm Duy là bài ca về tình yêu được định nghĩa rất rộng: yêu tiếng Việt, yêu nước, yêu người… đến yêu cô gái nhà bên.
Nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhận định: “Chúng ta có một giai đoạn rực rỡ của mảng ca khúc có tính tư tưởng và khơi dậy lòng yêu nước khi trải qua những tháng ngày cam go, có hy sinh, mất mát...”.
Ngày nay, thời của công nghệ và thế hệ trẻ thể hiện sự tự hào là người Việt Nam, có trách nhiệm với xã hội bằng ngôn ngữ âm nhạc theo cách trẻ trung và giàu năng lượng.
Năm 2020, nhóm producer DTAP viết và hòa âm bài Việt Nam tử tế đúng “công thức tạo hit” mà vẫn mang hơi thở của thời đại. Sẽ chiến thắng (Nguyễn Hải Phong); Thương ca tiếng Việt (Đức Trí, Hà Quang Minh); Dòng máu Lạc Hồng (Lê Quang) đến rap như Bản sắc Việt Nam (Mr.T); Quê hương Việt Nam (Anh Khang, Suboi); Việt Nam ơi (Pháo)… cho thấy không có giới hạn nào trong cách truyền đạt tình yêu đất tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc bằng âm nhạc.
Nhạc sĩ Minh Quang nói: “Tinh thần công dân trong tác phẩm của lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay cũng đậm đặc không kém thời của chúng tôi - những nghệ sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng ra chiến trường”.
Có thể thấy dù là Việt Nam hay một quốc gia nào khác, âm nhạc nếu gắn liền với những vấn đề của xã hội, nhân loại đều có giá trị bền vững. Với âm nhạc Việt Nam, đặc biệt ở thời đại ngày nay, làm thế nào để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị như chúng ta đã có?
Chuyên gia cho rằng bài hát mang tính tư tưởng cần mang hơi thở thời đại để lan tỏa trong thế hệ trẻ. |
Trách nhiệm của những người làm âm nhạc
Nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho rằng hai khía cạnh sáng tác và biểu diễn vẫn là điều kiện tiên quyết để đưa những ca khúc có tính tư tưởng đến đại chúng. Hơn nữa cũng cần tổ chức các hoạt động đưa nhạc sĩ thâm nhập thực tế để các tác giả thẩm thấu, đồng thời tạo ra nhiều không gian biểu diễn và những tác phẩm cần được giới thiệu cùng lúc trên nhiều nền tảng trong thời đại công nghệ 4.0.
Còn với một nghệ sĩ trẻ là Producer K-ICM, người đứng sau những ca khúc giàu lòng tự hào dân tộc như Việt Nam tôi, Thiên nhiên vẫy gọi, Thành phố tỏa nắng... cho rằng khơi gợi lòng tự hào dân tộc không chỉ ở chủ đề mà còn ở ca từ, giai điệu, hòa âm phối khí… của bài hát. Như với ca khúc hit Việt Nam tôi, anh đưa vào rap kết hợp đàn nguyệt, piano và trống.
Anh đề xuất phát động sáng tác ca khúc mang tính tư tưởng qua những ngày trọng đại của đất nước và kết hợp nhiều hình thức hoà âm, phối khí hiện đại, trình diễn trên nhiều nền tảng. Thế hệ trẻ nắm bắt công nghệ rất nhanh nên họ sẽ cảm được nhạc dễ dàng khi người làm nhạc bắt kịp xu hướng.
"Như vậy, hằng năm chúng ta sẽ có một số ngày mà người dân cả nước đều nghe được giai điệu tự hào dân tộc đủ cung bậc. Nếu không có những ngày như vậy, giới sáng tác vẫn chỉ tập trung vào chủ đề tình yêu. Ngày nào còn làm nhạc, tôi vẫn đặt mục tiêu tạo ra những ca khúc truyền tải tính tư tưởng một cách trẻ và hiện đại", anh nói.
Âm nhạc, từ những âm thanh được con người tạo ra một cách vô tri thời thượng cổ, đã đồng hành cùng lịch sử nhân loại đến nay. Con người có thể mạnh mẽ đương đầu với hiện thực khách quan khắc nghiệt nhờ Heal the world, cũng có thể nằm xuống buông xuôi vì Gloomy Sunday. Hiểu rõ sức mạnh của âm nhạc, nhân loại đã trân trọng đặt nó vào kiến trúc thượng tầng xã hội, khoác lên âm nhạc lớp áo “nghệ thuật” cho sứ mệnh mà âm nhạc đã mang. Đó là sự vị nhân sinh, luôn hướng chúng ta đến chân-thiện-mỹ; chữa lành, làm phong phú tâm hồn, thẩm mỹ mỗi người; và tiếp thêm sức mạnh, động lực tinh thần để con người không ngừng phát triển đi lên. Khi và chỉ khi thực hiện đúng sứ mệnh ấy, âm nhạc mới thực sự là giá trị đích thực bền vững.
'Heal the world' của Michael Jackson
Sương Hoa
Rhymastic mở màn thử thách dập dịch bằng âm nhạc
Chiến dịch "Muzik dập dịch" mong muốn lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người trong giai đoạn chống dịch khó khăn.