Món ăn Hà Nội chắc hẳn ban đầu không do người Hà Nội nghĩ ra. Giống như phong cách ăn uống ở nơi này cũng là được đúc rút từ cái hay cái đẹp ở mọi miền đất nước.
Nói đến ẩm thực là phải nói đến hai khái niệm gắn bó mật thiết với nhau. Đó là món ăn và cách ăn. Đừng bao giờ hy vọng ăn bát phở ở Sài Gòn mà có thể ngon lành đúng vị như Hà Nội được cho dù quán phở Sài Gòn ấy do chính người Hà Nội vào nấu nướng. Nó có những thứ rau dưa gia vị không thể tìm được ở Sài Gòn là một nhẽ.
Cái chính vẫn là cách ăn một bát phở ở Sài Gòn hoàn toàn khác xa Hà Nội. Chẳng sao cả. Người Hà Nội sống ở Sài Gòn đủ lâu sẽ thấy rằng ăn một bát phở kèm theo trà đá ở đấy như cách dân Sài Gòn vẫn ăn là đúng đắn.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải |
Chẳng biết là Hà Nội đã từng có lịch sử giãn cách do dịch bệnh như lần này hay chưa. Không thấy sử sách chép lại. Nhưng chắc chắn con người nơi đây cũng có những cách kiêng kị và tổ chức sinh hoạt theo truyền thống của mình. Và nhiều tao loạn thiên tai dịch bệnh trong hơn một thiên niên kỷ cũng làm cho con người ở đây có đủ kinh nghiệm ứng phó.
Với mối nguy hiểm khó lường của biến chủng covid-19 Delta lần này, thành phố đã có những Chỉ thị khá quyết liệt siết chặt mọi sinh hoạt đúng với tinh thần cách ly triệt để. Không còn cảnh các cụ cố tình đi tập thể dục vào lúc trời còn tối. Cũng không hở ra bất kỳ khoảng thời gian chớp nhoáng nào cho một cái chợ cóc hình thành ven đường.
Tất cả phải được mua bằng phiếu đi chợ ở những nơi cố định trong những ngày được phép. Tất nhiên chợ búa ngày giãn cách giá cả có phần tăng lên và mặt hàng thiếu đi rất nhiều. Chính đây mới là một thử thách lớn lao với những đầu bếp gia đình.
Nhìn vào bữa cơm thường của người dân Hà Nội lúc này ngay cả đến lũ trẻ cũng phát hiện ra những phần thiếu hụt. Những món ăn bày ra thiếu thốn phần lớn gia vị hàng ngày. Miếng thịt ba chỉ lấy trong tủ lạnh ra để rã đông chuẩn bị cho món mắm tôm chua. Thịt đông lạnh luộc lên kém thơm và săn chắc. Không thể nào mua được chuối xanh và khế chua, chỉ còn ít gừng thái chỉ, ít rau húng Láng và mấy củ hành hoa, dưa chuột thái lát.
Cũng không thể cầu kỳ mua rau sống, bún trắng về quấn bánh đa như cách người Huế vẫn thường làm. Thế cũng là hạnh phúc lắm rồi. Và cũng chợt nhận ra mọi lần ăn mắm thường là có đủ tất cả gia vị nhưng thực ra nhiều người trong nhà không đụng đũa. Trẻ con và phụ nữ không dùng đến ớt tươi, gừng sống. Người già chểnh mảng với mấy lát khế chua buốt răng.
Thực phẩm dồi dào cho người dân thoải mái lựa chọn. Ảnh: Phạm Hải |
Đành rằng thèm ăn bát phở đã mấy tuần nay rồi. Và chưa biết lúc nào sẽ được ra hàng phở. Nhưng dù có cố gắng để ý ngày đi chợ cũng không thể nào kiếm đủ gia vị để nấu. Những sạp hàng khô ngoài ấy nghỉ gần hết. Tìm đâu ra những quế những hồi. Mua được thịt bò thì lại không tìm đâu ra hàng xương mọi ngày ê hề mời mọc.
Không sao, đầu bếp gia đình đã có kế hoạch làm món phở trộn Nam Bộ. Cái món phở trộn Nam Bộ này có một xuất xứ rất lạ chẳng có liên quan gì đến Nam Bộ cả. Nó chỉ là món ăn ở ga Hàng cỏ nằm trên đường Nam Bộ những năm chiến tranh bao cấp mà thôi. Tất nhiên lúc nó ra đời thì người Hà Nội không ăn phở theo cách ấy.
Nguyên liệu rất đơn giản chỉ cần bánh phở, thịt bò, ít rau thơm, giá sống, cà rốt. Nước trộn pha na ná như nước mắm chấm nem rán, bún chả hàng ngày. Chỉ đậm đà dấm mắm tỏi hơn ít nhiều. Cho thêm đĩa lạc nhân vào rang trong lò vi sóng giòn tan. Bánh phở gắp ra rải thịt bò xào tỏi lên trên. Thêm vào rau thơm, giá sống, cà rốt thái chỉ, hành phi xếp vòng quanh phủ kín mặt bát. Rắc lạc rang giã giập và chan nước trộn vào là có món ăn tuyệt vời.
Những ngày giãn cách xã hội, đường phố Hà Nội vắng vẻ. Ảnh: Phạm Hải |
Thực ra nếu không có những ngày giãn cách như thế thì gia đình Hà Nội hầu như đã quên béng món phở trộn Nam Bộ này từ vài chục năm trước.
Tất nhiên xôi lạc tự đồ ở nhà là món xôi duy nhất gia đình Hà Nội còn có thể thực hiện được trong những ngày giãn cách. Bằng nồi hấp nhôm. Chỉ cần để ý ngâm gạo không quá lâu và luộc lạc kỹ hơn mọi ngày là có nồi xôi lạc không thua kém ngoài hàng là mấy. Còn ít đậu xanh và đậu đen để dành cũng là một hứa hẹn cho những món xôi khác hấp dẫn chẳng kém gì. Nếu tiếp tục cách ly thêm vài lệnh nữa vẫn có món xôi đậu thay đổi bữa ăn hàng ngày.
Người già ở phố có vẻ còn khá ung dung trong đợt giãn cách này. Những khó khăn, ăn uống thiếu thốn bây giờ đã ăn thua gì so với thời ở lính. Mắm tôm rang riềng ăn với canh bí đỏ hàng tháng trời trong rừng vẫn hát vang. Chỉ thương bọn trẻ bữa đến rầu rĩ vì không thể gọi được những món ăn chúng thích hàng ngày. Thế nhưng cũng là một dịp để giáo dục kiến thức ẩm thực cho chúng. Người lớn sẽ kể ra những gia vị thiếu hụt trong bữa ăn ngày giãn cách. Trong hoàn cảnh này, đó sẽ là những bài học thực tế muốn quên được cũng khó.
Nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn
Một nhà đi chợ hộ ba hàng xóm, đến bữa thi món ngon qua mạng
Công việc của chị Trịnh Thị Tuyền là nấu ăn cho công ty nên chị biết nấu khá nhiều món và thích vào bếp. Bởi thế, tranh thủ những hôm đi mua thực phẩm cho công ty, chị Tuyền thường mua thêm cho gia đình và hàng xóm.