Đây là những hoạt động trái quy định của pháp luật, tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Nắm bắt nhu cầu làm đẹp bản thân của người dân trên địa bàn và đặc biệt là giới phụ nữ có điều kiện kinh tế khá giả, thời gian gần đây nhiều cơ sở thẩm mỹ ở thành phố Thanh Hóa thi nhau "mọc lên như nấm sau mưa". Sẽ không có gì đáng nói, nếu các cơ sở này tuân thủ nghiêm theo đăng ký kinh doanh, hoạt động dịch vụ theo giấy phép được cấp, vừa đảm bảo quy định của pháp luật và an toàn cho khách hàng.

Không ít cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã lựa chọn những tên gọi hết sức sang trọng, mỹ miều, các cơ sở này không dừng lại ở Spa làm đẹp mà còn ngang nhiên tư vấn, quảng cáo cả những dịch vụ thẩm mỹ mà họ không được cấp phép hành nghề.

Dạo một vòng qua các tuyến đường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, như: Nguyễn Cẩn, Nguyễn Trịnh Cơ, Tô Hiến Thành, Trường Thi... chúng tôi bắt gặp hàng loạt cơ sở "Thẩm mỹ viện" với nhiều tên gọi bắt mắt như: Thẩm mỹ viện Quốc tế Tây Á; Thẩm mỹ viện Korea; Thẩm mỹ viện DHY Hà Nội; Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội; Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Mỹ; Thẩm mỹ viện Diệp Chi...

Ẩn họa từ dịch vụ
Một cơ sở thẩm mỹ viện tại Thanh Hóa vừa bị xử phạt 45 triệu đồng và đình chỉ 12 tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên và tiếp cận một số "Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh" của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho thấy, ngành nghề kinh doanh được phép chủ yếu là: Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường, xoa bóp massage da mặt, chăm sóc da, trị liệu, làm đẹp, phum xăm... hoàn toàn không có dịch vụ xâm lấn.

Thế nhưng, trong vai khách hàng cần làm dịch vụ cắt mí mắt, chúng tôi tiếp cận cơ sở Thẩm mỹ Y... (ở đường Nguyễn Cẩn, TP Thanh Hóa). Tại đây, chúng tôi được nhân viên của cơ sở này tư vấn các gói dịch vụ về cắt mí, mỗi gói có các mức giá khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi được nhân viên giới thiệu rất nhiều các dịch vụ khác như, tiêm botox, tiêm filler, giảm mỡ bụng bằng Maxthinlipo, nâng mũi...

Ngoài ra, cơ sở thẩm mỹ này còn lập hẳn tài khoản và quảng cáo rầm rộ trên nền tảng mạng xã hội một cách công khai.

Cũng với nhu cầu tương tự, chúng tôi đến Thẩm mỹ viện K (đường Nguyễn Cẩn, TP Thanh Hóa), tại đây chúng tôi được nhân viên tư vấn nhiều dịch vụ xâm lấn, thủ thuật cắt mí có giá từ 3 triệu đến 5 triệu (mở góc mắt với giá 3 triệu đồng). Đối với dịch vụ nâng mũi, nhân viên cơ sở này cho hay tùy thuộc vào sử dụng các loại sụn khác nhau để định giá hay như dịch vụ giảm mỡ bụng bằng Maxthinlipo thì giá gói và thời gian phụ thuộc lượng mỡ trên cơ thể.

Tương tự, tại Thẩm mỹ viện N (đường Tô Hiến Thành), khi vào đây, chúng tôi được nhân viên tư vấn với dịch vụ như: Nâng mũi, cắt mí, nâng ngực, nâng mông...

Tại đây, dịch vụ cắt mí với giá từ 5,6 triệu đến 8 triệu đồng; nâng mũi tùy thuộc vào các loại sụn có giá từ 15 triệu đến 25 triệu đồng... Theo giới thiệu, các dịch vụ này thực hiện ngay tại cơ sở. Riêng dịch vụ nâng ngực, nâng mông được giới thiệu là chuyển ra cơ sở ở Hà Nội, khách hàng sẽ có xe đưa đón...

Ngày hôm sau, khi chúng tôi công khai giới thiệu là phóng viên đến tìm hiểu hoạt động dịch vụ của các cơ sở này thì được các nhân viên ở đây cho biết cơ sở của họ chỉ "chăm sóc da", ngoài ra không có dịch vụ nào khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Khắc Phượng - Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn thành phố Thanh Hóa hiện có hơn 100 cơ sở đăng ký hoạt động dịch vụ thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, việc các chủ cơ sở đặt tên cơ sở kèm theo cụm từ "Thẩm mỹ viện" có phần chưa phù hợp, theo ông Phượng, đúng ra gọi là cơ sở "Thẩm mỹ" mà thôi.

Mới đây, UBND thành phố đã lập đoàn liên ngành kiểm tra 50 cơ sở thẩm mỹ, qua đó phát hiện nhiều chủ cơ sở thẩm mỹ hoạt động chưa nắm rõ các quy định của pháp luật. Ông Phượng cho biết, theo quy định, nhân viên cơ sở phải có chứng chỉ đào tạo hành nghề; Chủ cơ sở phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Chứng nhận an toàn y tế, phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu và dịch sinh học tại cơ sở thẩm mỹ...; Chủ cơ sở phải gửi thông tin đăng ký lên Sở Y tế trước 10 ngày mới đi vào hoạt động. Nếu không đảm bảo các điều kiện trên sẽ bị xử phạt số tiền 45 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 12 tháng.

Được biết, các dịch vụ nâng mũi, tiêm filler, cắt mí, cấy chỉ… đều là những thủ thuật có xâm lấn, cơ sở thực hiện dịch vụ phải được cấp phép hành nghề và phải được các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.

Ông Bùi Khắc Phượng khẳng định, hiện nay các cơ sở thẫm mỹ viện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa chỉ được phép thực hiện các dịch vụ như: Chăm sóc da, xoa bóp, sử dụng mỹ phẩm, phun xăm... Chưa có cơ sở thẩm mỹ nào ở thành phố Thanh Hóa được phép thực hiện các kỹ thuật xâm lấn (gây tê, mổ xẻ). Khi có thông tin phản ánh các cơ sở tư vấn, giới thiệu các dịch vụ xâm lấn cho khác hàng, thành phố cũng đã lập các đoàn kiểm tra và tổ chức "bắt quả tang" nhưngchưa phát hiện được trường hợp nào, vì họ rất cảnh giác và có nhiều cách để đối phó, ông Phượng nói.

Mới đây, qua kiểm tra, UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt đối với 8 cơ sở thẩm mỹ với số tiền 280 triệu đồng. Ông Bùi Khắc Phượng - Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND thành phố Thanh Hóa thừa nhận, sau khi xử phạt, đình chỉ nhưng vẫn có tình trạng các cơ sở lén lút tái hoạt động...

Theo Công an Nhân dân