Vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều người vẫn thường ăn rượu nếp song không hiểu tác dụng thực sự của món này.

Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho hay cơm rượu nếp (hay còn gọi là rượu nếp) có tính ôn ấm, bổ dưỡng, giúp khí huyết lưu thông, tinh thần khoan khoái.

Chính bởi vị cay nồng, cơm rượu trở thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm dân gian vào ngày này, con người phải ăn những thứ cay, nóng, chua, đắng để giết “sâu bọ” (giun, sán, ký sinh trùng) trong cơ thể.

Theo lương y Hồng Minh, cơm rượu nếp được làm từ gạo nếp, nấu chín thành cơm, lót lá chuối, rải để nguội. Sau đó, dùng men làm rượu giã nhỏ, cho cả hai thứ vào âu (bình thủy tính, sứ…) theo nguyên tắc một lớp men, một lớp cơm xen lẫn, mỗi lớp cỡ 3-4 cm. Ủ 3-4 ngày, hỗn hợp này sẽ ra nước, tức là đến lúc chín, có thể ăn.

{keywords}

Rượu nếp được bày bán khắp nơi trong dịp Tết Đoan Ngọ.

“Người xưa thường làm trước ngày Tết Đoan Ngọ để kịp có món ăn vào ngày đặc biệt này. Tuy nhiên ngày nay, chúng ta có thể làm món ăn này ăn vào các ngày bình thường khác bởi thực chất cơm rượu nếp rất tốt cho cơ thể”, lương y Hồng Minh cho hay.

Vị chuyên gia cho biết có thể làm cơm rượu nếp từ nếp cẩm, nếp cái hoa vàng song muốn ngon và bổ phải được làm từ thóc xay, không giã, chỉ bỏ lớp vỏ trấu, giữ lại lớp vỏ lụa và lớp cám bên ngoài.

Lớp cám này rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết. Do đó, chúng ta ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp không những có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh đái tháo đường cũng như tim, đột quỵ và cao huyết áp.

Ngoài ra, cơm nếp sau khi được lên men còn giúp kích thích tiêu hóa, rất thích hợp để bồi bổ cơ thể người mới ốm dậy, người chán ăn hoặc mắc các chứng rối loạn tiêu hóa.

Đặc biệt cơm rượu nếp cẩm có tác dụng làm hạ nồng độ cholesterol có hại trong cơ thể, hỗ trợ rất tốt trong việc giảm cân.

Vẫn theo lương y Hồng Minh, lượng sắt trong gạo nếp rất cao, ăn vào sẽ tăng cường hồng cầu, gia tăng lượng máu đến nuôi dưỡng các tế bào da. Nhờ đó, ăn món ăn này, da dẻ thường sẽ hồng hào, sáng hơn.

Theo lương y Hồng Minh, cơm rượu nếp tính lành, chủ yếu bổ dưỡng và giúp khí huyết lưu thông. Các đối tượng từ người già, phụ nữ mang thai, sau khi sinh, ăn món này đều rất tốt, riêng trẻ em dưới 10 tuổi không nên dùng vì dễ bị say.

Bài thuốc đặc biệt từ rượu nếp:

Dành cho phụ nữ sau khi sinh: Lấy khoảng 3 kg cơm rượu nếp (đã lên men như thông thường) cho vào lọ thủy tinh, cho thêm 5-7 quả trứng gà để nguyên vỏ nhưng lấy kim châm 2 đầu quả trứng. Hạ thổ lọ thủy tinh khoảng 100 ngày (có thể lâu hơn), sau đó ăn khoảng 50-100 g/ngày. Công dụng: Giúp hồi phục cơ thể, sạch huyết xấu, da dẻ hồng hào, nhiều sữa.

Dành cho người ốm dậy: Cơm rượu đã lên men cho thêm sâm để ăn. Công dụng: Bồi dưỡng cơ thể, lưu thông khí huyết, nhanh hồi phục.


(Theo Zing)