Tờ Sina Health của Trung Quốc đã đưa ra “kim chỉ nam” cho việc ăn thịt để đảm bảo vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe của mọi người.

Nhiều người thường quan niệm "ăn thịt ngày Tết, thêm phúc thêm thọ", "không có món mặn, không ăn cơm"… Vì vậy, các món ăn chế biến từ thịt từ lâu chiếm vị trí quan trọng không thể thay thế trên bàn ăn của các gia đình.

Tuy nhiên, Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây đã đưa nhiều loại thịt vào “danh sách các chất gây ung thư". Trong đó, những loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói được xếp đứng đầu danh sách "đen" này.

Bên cạnh đó, các loại thịt đỏ (thịt động vật có vú như lợn, bò, trâu, ngựa…) cũng được xếp vào nhóm 2A "có thể gây ung thư cho con người".

Trên thực tế, ai cũng nằm lòng lý thuyết ăn thịt nhiều gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, gây hại như thế nào và ăn như thế nào là gây hại thì ít ai để ý.

Vậy, làm thế nào để sử dụng thịt một cách an toàn? Tờ Sina Health của Trung Quốc đã đưa ra “kim chỉ nam” cho việc ăn thịt.

1. Ăn nhiều thịt muối, thịt xông khói có nguy cơ chết sớm

Một nghiên cứu khoa học tại Thụy Sĩ công bố trên tạp chí Y học New England (Anh) đã phát hiện ăn quá 40 gram thịt xông khói và các loại thịt chế biến khác sẽ rút ngắn tuổi thọ của con người.

Trên thực tế, những người ăn hơn 160 gram các loại thịt mỗi ngày phải đối mặt với nguy cơ chết sớm, cao hơn 40% so với nhóm người chỉ ăn từ 10 đến 20 gram thịt.

{keywords}
Thịt xông khói, thịt muối ẩn chứa nhiều nguy hại đối với sức khỏe con người

Hơn nữa, những loại thịt này còn chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch, động mạch vành và chứng nghẽn mạch máu.

Chưa dừng lại ở đó, thịt xông khói và các loại thịt chế biến còn chứa hàm lượng nitrite cao. Chất này đã được cảnh báo là tăng nguy cơ gây ung thư và có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe con người.

Các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo không nên dùng quá 28g thịt hun khói hay thịt chế biến sẵn mỗi ngày.

2. Thit quay tăng nguy cơ ung thư, thịt hầm là món ăn lành mạnh

Khi thịt được chế biến ở nhiệt độ cao, chất béo bị phân giải nhỏ giọt xuống lớp than hoa, sau đó lại bốc hơi quyện vào chất protein trong thịt tạo thành benzopyrene. Đây là chất gây ung thư mạnh và có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Do đó, một món thịt an toàn nên được chế biến bằng các cách như hầm, luộc, ninh hoặc chưng cách thủy. Thực nghiệm cũng đã chứng minh thịt được hầm trong thời gian dài sẽ giảm từ 30% - 50% hàm lượng cholesterol.

Đối với thịt quay, việc ăn kèm cùng rau xanh, sốt cà chua, nước chanh hay ướp chung với tỏi, bột quế, hương thảo sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ gây ung thư và một số tác hại khác từ loại thịt này.

3. Thịt đỏ gây ra các bệnh về tim và não; thịt mỡ ăn càng ít càng tốt

Thịt lợn, thịt bò, thịt dê và những loại thịt đỏ khác nhìn chung đều có chứa lượng mỡ tương đối cao. Trong khi thịt nạc có tác dụng bổ sắt, điều trị thiếu máu, thì ăn nhiều thịt mỡ lại chỉ “lợi bất cập hại”.

Bên cạnh đó, thịt gia cầm, thịt hải sản và những loại thịt trắng khác lại chứa hàm lượng mỡ khá thấp.

Do vậy, những người lao động chân tay và nam giới nên ăn nhiều thịt đỏ, còn những người lao động trí óc, nữ giới cần tăng cường ăn thịt trắng.

Đối với người già bị triệu chứng thoái hóa về cơ năng, việc ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ sinh bệnh tật và cản trở khả năng nhận thức.

Còn với trẻ em hay thanh thiếu niên đang độ tuổi phát triển, việc bổ sung dưỡng chất từ cả hai loại thịt trên là cần thiết.

Đặc biệt lưu ý, người béo phì và mắc các bệnh mãn tính nên hạn chế ăn thịt và thay thế bằng các chế phẩm từ đậu.

4. Mỗi ngày ăn quá 75g thịt, tim và huyết áp đều “lãnh đạn”

“Tháp dinh dưỡng cân đối” xác định mỗi ngày chỉ nên ăn 75g thịt. Ví dụ đối với món thịt kho tàu, chúng ta không nên ăn quá 2 lạng mỗi ngày.

Việc ăn nhiều hơn chỉ số trên sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và chứng cao huyết áp.

5. Thịt rã đông sai cách có nguy cơ trở thành ổ vi khuẩn

Khi thực phẩm đông (đặc biệt là thịt) tiếp xúc với nhiệt độ bình thường, dễ bị ôi thiu, vi khuẩn sinh sôi gấp nhiều lần so với trước khi rã đông. Thậm chí, có nhiều người còn sử dụng nước để rã đông thịt, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn tấn công.

Các chuyên gia kiến nghị tốt nhất nên dùng lò vi sóng ở nhiệt độ vừa phải để rã đông thịt từ từ. Cũng có thể cho thịt xuống ngăn mát để thực phẩm tan dần, sau đó mới cho vào nước.

6. Thịt ướp lạnh an toàn hơn thịt tươi

Trong điều kiện thông thường, từ 4 tiếng sau khi giết mổ, thịt động vật thường có xu hướng co cứng, một thời gian sau mới đàn hồi trở lại.

{keywords}
Thịt ướp lạnh và thịt tươi đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng

Thịt tươi có nhiệt độ cao, màu sắc đỏ tươi, dù trông bắt mắt những dễ sinh sôi vi khuẩn. Trong khi đó, thịt ướp lạnh tuy vệ sinh hơn, nhưng trải qua quá trình đông lạnh, độ ẩm và nước bị lấy đi, hàm lượng dinh dưỡng cũng vì vậy mà giảm xuống.

Cả hai loại thịt này tốt nhất nên được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C để đảm bảo cả yếu tố an toàn và hàm lượng dinh dưỡng.

Khi mua thịt ướp lạnh, người tiêu dùng nên chọn thịt được bày bán trong tủ lạnh hoặc được dán nhãn mác “thịt chống axit”.

7. Trẻ em và người già ăn nhiều thịt bò sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa

So với thịt lợn, các amino axit trong thịt bò có khả năng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể con người hơn.

Tuy nhiên, loại thịt này có hàm lượng cholesterol và chất béo cao, các thớ thịt cũng sắc cạnh, thô ráp hơn. Do đó, trẻ em và người già không nên ăn quá nhiều thịt bò, để hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng.

8. Những trường hợp nên kiêng thịt dê

Thịt dê có công dụng chống lạnh, bồi bổ thân thể, là thực phẩm bổ dưỡng quý giá về mùa đông. Tuy nhiên, loại thịt này tính nóng, không thích hợp với những người bị viêm khớp, nổi mẩn, dị ứng và sốt.

(Theo Trí Thức Trẻ)