Việt Nam đã được định vị trên bản đồ trà mà trong các vùng trà cổ thụ, Suối Giàng được mệnh danh là thuỷ tổ của trà cổ thụ trên thế giới, đây là cơ hội để trà Việt được công bố với thế giới.
Chia sẻ tại toạ đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, tạp chí Công thương vừa tổ chức, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho hay, đam mê trà cổ thụ Shan tuyết đã khiến ông quyết định gắn bó với Suối Giàng để cùng bà con thoát nghèo và thoát nghèo bền vững nhờ tiềm năng đặc sản trà cổ thụ địa phương.
“Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình”, anh Hiếu nói.
Với khát vọng khát khao đưa thương hiệu chè Suối Giàng "bay xa", không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức bằng các lớp tập huấn, năm 2019, anh Hiếu và những người bạn đã vận động được 8 thành viên tham gia và thành lập HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng.
Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã tiên phong trong việc thay đổi tư duy làm trà và thu mua chè của người dân để chế biến các sản phẩm bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, từ một cây chè cổ thụ, HTX đã chế biến được 4 loại trà phục vụ sở thích của từng người, người thích uống đậm, người thích uống vị thanh mát...
Từ chỗ bỏ hoang, nay đồng bào Mông đã biết bảo vệ, biết trồng, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ và đặc biệt là thu hái đúng quy trình, kỹ thuật, đến nay, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ tại một vùng nghèo ở trên đỉnh núi đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao và chứng nhận Ecocert, tiêu chuẩn Organic của châu Âu - giấy thông hành xuất khẩu đi 26 thị trường trên cả nước với mã số vùng trồng, và ISO trong sản xuất.
Cùng với việc kết hợp sản xuất kinh doanh trà với phát triển du lịch, Suối Giàng giờ đã là nơi để du lịch “chữa lành” vừa có thể săn mây, vừa có thể thưởng trà, và đỉnh núi bắt đầu đón nhiều du khách hơn.
Bên cạnh đó, trà Shan tuyết cổ thụ còn được trao sứ mệnh trở thành thương hiệu quốc gia.
“Đây là những nỗ lực không chỉ của cá nhân mà còn là của cả tập thể bà con sinh sống và làm việc trên đỉnh núi xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Từ đây, bà con dân tộc không còn phải rời quê hương để đi lập nghiệp, mà họ có thể sinh kế tại nơi họ sinh ra và lớn lên", ông Đào Đức Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trước khi đưa sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ ra cả thế giới, việc khai thác thị trường trong nước, đưa sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối lớn cũng là mong muốn của doanh nghiệp.
Bởi vậy, ông Hiếu mong muốn, chứng minh được năng lực của mình trong việc đáp ứng đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất để bà con có thể lan toả câu chuyện của trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đến gần hơn với thị trường trong nước bằng việc hợp tác xã Suối Giàng có thể đưa sản phẩm của mình vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối trong nước.