{keywords}
"Những bức thư là câu chuyện rất dài về những năm tháng chiến tranh, về cha mẹ, ông bà cụ kỵ..."

Vợ chồng tôi mua được ngôi nhà ở làng. Người bán là cặp vợ chồng trẻ, bố mẹ họ không có nhu cầu ở làng, còn bà ngoại thì đã mất hồi năm ngoái. Sau khi cụ bà qua đời, chẳng ai ngó ngàng gì đến ngôi nhà, mãi tới khi bán mới thấy họ đến.

Tôi hỏi anh chị có đến lấy đồ đạc không? Họ bảo chúng tôi không cần đống đồ đồng nát này, mấy cái tranh thờ chúng tôi đã lấy, số còn lại anh chị vứt đi hộ.

Tôi đưa mắt nhìn lên tường, nơi hiện rõ dấu vết mà những bức tranh thờ để lại.

⁃ Thế những bức ảnh này anh chị không lấy sao?

Từ tường căn nhà gỗ là ánh mắt của những người đàn bà, đàn ông, trẻ con... Cả một dòng họ. Trước kia, người ta thích treo ảnh lên tường để trang trí.

Tôi nhớ một lần tới thăm bà ngoại, bà mới treo lên tường bức ảnh của hai chị em tôi được lồng khung.

⁃ Sáng sáng bà thức giấc, việc đầu tiên là chào cha mẹ, hôn chồng, cười với các con và nháy mắt với hai cháu. Ngày của bà bắt đầu như thế... - bà kể.

Khi bà mất, chúng tôi bổ sung lên tường tấm ảnh của bà. Giờ đây, mỗi lần về quê vào những dịp cuối tuần, sáng nào tôi cũng gửi bà một nụ hôn gió. Có cảm giác căn nhà ngay lập tức tràn ngập mùi hương những món ăn mà bà thường nấu, thấy như bà vẫn còn ở quanh đây.

Tôi không được gặp ông ngoại. Ông hy sinh ngoài mặt trận, nhưng tấm ảnh của ông được treo chính giữa. Bà kể về ông nhiều lắm, những khi đó chúng tôi nhìn lên tấm ảnh của ông và có cảm giác ông đang ngồi cùng chúng tôi, chỉ có điều kỳ lạ là ông vẫn còn rất trẻ, trong khi bà đã già. Giờ đây ảnh bà được treo cạnh ảnh ông.

Đối với tôi thì những bức ảnh bạc màu này vô cùng quý giá, nếu phải lựa chọn thì tôi chắc chắn sẽ lấy những bức ảnh mang về.

Sau khi mua nhà, chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp. Và... tay tôi không sao giơ lên nổi khi vứt bỏ những đồ đạc của cụ bà quê mùa đã trọn đời sống vì con, vì cháu - những người đã bỏ rơi bà suốt một thời gian dài.

Tại sao tôi lại biết? Cụ đã viết thư cho họ. Hồi đầu cụ viết và gửi nhưng không nhận được hồi âm. Sau đó cụ vẫn viết nhưng không gửi nữa. Ba chồng thư chứa chan tình yêu được xếp ngăn nắp trong chiếc tủ đầu giường.

Tôi mở từng bức thư và đọc... Tôi hiểu tại sao cụ không gửi những bức thư ấy đi. Cụ sợ chúng sẽ vất vưởng đâu đó, cụ giữ ở đây thì chúng vẫn còn nguyên. Khi cụ chết rồi, con cháu sẽ đọc.

Những bức thư là câu chuyện rất dài về những năm tháng chiến tranh, về cha mẹ, ông bà cụ kỵ của cụ. Cụ kể rằng bà nội của cụ luôn nhắn nhủ con cháu phải giữ gìn những giá trị gia đình, để cháu chắt biết và nhớ. Sao tôi có thể vứt những bức thư đó?

Mình mang đến cho con của cụ nhé? Những thứ này không thể đem vứt được! 

Em nghĩ là con cụ tốt hơn cháu cụ sao? Từ lúc cụ mất họ có thèm ló mặt về đây đâu? - chồng tôi tỏ vẻ nghi ngờ.

Nhỡ các con của cụ cũng già và đau yếu thì sao?

Ừ, để anh gọi điện hỏi họ xem thế nào.

Chúng tôi tìm được số điện thoại và nghe thấy giọng phụ nữ lanh lảnh:

⁃ Anh chị vứt đi hộ nhé. Thời gian cuối đời bà gửi hàng chồng thư về đây, chúng tôi cũng chả có hơi sức đâu mà đọc nữa. Bà có việc gì làm đâu, viết thư để giải khuây ấy mà...

Tôi tắt điện thoại, không muốn nghe tiếp những lời của bà ta. Nếu bà ta có mặt ở đây, tôi sẽ bóp cổ bà ta tới chết.

Cụ già có 6 người con, 5 người đều ra đi trước mẹ. Chỉ còn người con gái út không đoái hoài tới mẹ cũng như những kỷ vật của bà.

Bức thư cuối cùng chan chứa yêu thương mà cụ viết cho người con gái bội bạc ấy ít lâu trước khi qua đời. Khi đó, cụ đã 93 tuổi.

Vũ Mạnh Cường dịch 

Làm thế nào để dạy con quan tâm đến người khác?

Làm thế nào để dạy con quan tâm đến người khác?

 Ravi Rao, một bác sĩ nhi khoa cho rằng, cha mẹ nên dạy cho con về cảm xúc nhiều như cách dạy chúng về màu sắc và con số. Thấu hiểu cảm xúc của người khác sẽ giúp những đứa trẻ có cái nhìn đồng cảm hơn.