TIN LIÊN QUAN
1. Sứ mệnh cuối cùng của tàu con thoi Endeavour
Khoảnh khắc tàu con thoi Endeavour kết nối với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong sứ mệnh cuối cùng của nó vào tháng 5 vừa qua, được tạp chí National Geographic lựa chọn là bức ảnh vũ trụ đẹp nhất năm 2011.
2. 'Sứa khổng lồ' trên quần đảo Madagascar
Hình ảnh chụp từ một vệ tinh của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy các nhánh của dòng sông Betsiboka đổ vào Vịnh Bombetoka trên quần đảo Madagascar trông giống như một con sứa khổng lồ nhiều màu sắc. Những bãi cát và các hòn đảo ở giữa các 'xúc tu' có màu nâu do được bồi đắp phù sa từ dòng sông Betsiboka sau những trận mưa lớn.
3. Cực quang ở Iceland
Hình ảnh vầng cực quang hình cung màu xanh sáng chói trên mặt hồ băng khổng lồ Jökulsárlón ở Iceland, được chụp vào tháng 3/2011. Bức ảnh này đã giành giải nhất tại Cuộc thi ảnh quốc tế về bầu trời và trái đất lần thứ 2
4. Siêu tân tinh Tycho
Vào tháng 3/2011, các nhà thiên văn học đã sử dụng kính thiên văn tia X Chandra của NASA để ghi lại hình của của siêu tân tinh Tycho. Bức ảnh cho thấy phần năng lượng thấp của siêu tân tinh có màu đỏ, trong khi, phần có năng lượng cao có màu xanh.
Siêu tân tinh Tycho được hình thành sau một vụ nổ của một ngôi sao lớn cách Trái đất khoảng 13.000 năm ánh sáng. Ánh sáng của vụ nổ này truyền tới hành tinh của chúng ta vào năm 1572 và có thể được nhìn thấy bằng mắt thường vào ban ngày.
5. Thiên hà biến dạng
Bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn vũ trụ Hubble của NASA cho thấy một trong những cánh tay xoắn ốc của thiên hà NGC 2146 đang cong gập một góc 45 độ. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do lực hấp dẫn của một thiên hà không xác định gần đó đang gây nhiễu loạn cánh tay của NGC 2146, khiến nó bị oằn cong.
6. Vòng khí trên Mặt trời
Vòng khí plasma bốc lên từ bề mặt của Mặt trời được chụp lại từ tàu thăm dò Solar Dynamics. Khoảnh khắc trên được ghi lại bởi tàu thăm dò mặt trời Dynamics của NASA vào tháng 3/2011. Hiện tượng Mặt trời hoạt động mạnh có thể gây bão từ ảnh hưởng tới các thiết bị viễn thông trên Trái đất.
7. Mưa sao băng Orionid
Hình ảnh mưa sao băng Orionid được chụp bởi nhiếp ảnh gia Jeffrey Berkes, đến từ bang Pennsylvania (Mỹ) chụp tại một hồ nước ở vùng ngoại ô. Mưa sao băng Orionid đạt đỉnh vào sáng sớm trong ngày 22/10/2011, với những hạt vật chất li ti văng ra từ sao chổi Halley và lao xuống bầu khí quyển của Trái đất. Ở những vùng trời tối, có thể quan sát được hơn 20 ngôi sao băng rơi trong vòng 1 giờ.
8. Ngôi sao chạy trốn
Hình ảnh chụp bằng tia hồng ngoại từ kính thiên văn WISE của NASA được công bố trên tạp chí National Geographic vào tháng 1/2011, cho thấy ngôi sao Zeta Ophiuchi có màu xanh tươi và được bao quanh bởi các ngôi sao nhỏ và các đám mây bụi mờ màu đỏ.
Các nhà thiên văn học nghĩ rằng ngôi sao Zeta Ophiuchi đã từng là một phần của một hệ sao đôi. Sau khi ngôi sao đồng hành cùng với nó bị nổ, ngôi sao Zeta Ophiuchi đã tách ra với tốc độ cực lớn 24 km/giây để hoạt động độc lập trong vũ trụ. Khi di chuyển, ngôi sao này tạo ra một luồng khí gas đằng sau nó.
9. Chiêm ngưỡng Trái đất từ ISS
Nhà du hành vũ trụ Mike Fossum (NASA) nhìn ra bên ngoài qua một cửa sổ khoang quan sát trên Trạm không gian quốc tế (ISS) vào ngày 11/9. Trái đất nằm ở phía trên của khung hình.
10. 'Dòng sông' sao trên núi
'Dòng sông' sao chảy trên thung lũng Mardi Khola ở Himalaya (Nepal). Hình ảnh được chụp vào tháng 8/2011.
11. Nguyệt thực toàn phần
Hình ảnh nguyệt thực toàn phần ở dãy núi Alborz (Iran) vào ngày 15/6, được lồng ghép với hình ảnh Ngân hà. Khi bị che khuất bởi Trái đất, Mặt trăng chuyển dần từ màu cam sang đỏ. Đây là nguyệt thực dài nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ gần đây.
12. Vết đen trên Mặt trời
Hình ảnh chụp Mặt trời lặn sau núi ở Curitiba (Brazil) vào tháng 9 vừa qua, cho thấy những vết đen đang hoạt động trên bề mặt của Mặt trời. Vùng đen này có chiều dài khoảng 150.000 km và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vết đen được cho là liên quan tới các cơn bão Mặt trời, gây ra hiện tượng cực quang ở hai cực của Trái đất
Hà Hương