Mới đây, Tòa án tối cao California, Mỹ đã chính thức tuyên bố Apple sẽ phải trả thêm tiền cho những nhân viên bị họ lục soát đồ đạc, tư trang sau giờ làm việc. Cụ thể, vào năm 2013, một số nhân viên tại đây đã đệ đơn kiện nhà Táo vì liên tục giữ họ lại sau giờ làm để kiểm tra túi xách, ví tiền cũng như điện thoại, máy tính của họ. Đây được coi là biện pháp giúp Apple tránh tình trạng mất trộm hàng hóa cũng như thông tin của mình.
Thế nhưng, điều đáng nói là họ không hề trả thêm một khoản lương nào cho những nhân viên bị giữ lại sau giờ làm này. Hiểu 1 cách đơn giản, sau khi tan ca - tức là đã làm đủ số giờ yêu cầu trong hợp đồng lao động, họ còn phải ở lại một lúc để thực hiện quá trình kiểm tra túi xách nêu trên mà không nhận thêm được 1 đồng nào. Quá trình này cũng mất khá nhiều thời gian, có thể kéo dài đến 45 phút tùy theo người quản lý của từng chi nhánh cửa hàng Apple.
Trên thực tế, vụ kiện này đã từng bị bác bỏ vào năm 2015, nhưng một số nhân viên của Apple vẫn kiên trì kiến nghị đến cùng. Điều đó đã buộc Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ Khu vực 9 phải lật lại hồ sơ và yêu cầu Tòa án tối cao bang California xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng. Phải đến tận ngày hôm nay, họ mới có đủ bằng chứng để kết luận rằng Apple đã vi phạm luật lao động của bang vì không trả thêm tiền cho những nhân viên phải ở lại sau giờ làm để phục vụ quá trình kiểm tra tư trang cá nhân.
Trong bộ luật của bang California có nêu rõ công nhân được quyền hưởng số lương tương xứng với toàn bộ giờ làm thực tế của họ. Trong trường hợp này, thẩm phán Tani Cantil Sakauye nhấn mạnh các nhân viên ở lại vẫn chịu sự kiểm soát và giám sát của Apple trong suốt quá trình chờ đợi quản lý chi nhánh kiểm tra đồ dùng của họ.
“Quá trình kiểm tra đồ dùng sau mỗi ca làm có thể kéo dài từ 5 - 20 phút, và khiến cho nhân viên của Apple không dám rời khỏi công ty dù đã xong việc. Đó là chưa kể họ vẫn phải tuân theo chỉ định, yêu cầu mà quản lý chi nhánh Apple đưa ra trong khoảng thời gian này. Apple tuyên bố đây là chính sách nhằm đảm bảo lợi ích cũng như quyền lợi cho nhân viên, nhưng chúng tôi cho rằng đó là một hành động vô nghĩa”.
Mặt khác, đại diện của Apple cho rằng nếu nhân viên không muốn phải ở lại sau giờ làm, họ có thể cất iPhone và túi xách ở nhà trước khi đến công ty. Thế nhưng, lời bào chữa này lại không đủ thuyết phục đối với Tòa án California: “Mâu thuẫn nằm ở chỗ Apple vẫn luôn nhấn mạnh rằng iPhone là một phần tất yếu được tích hợp trong cuộc sống của mỗi con người (trích lời CEO Tim Cook). Vậy mà giờ đây họ lại khuyến khích nhân viên cất điện thoại ở nhà nếu không muốn phải ở lại sau giờ làm? Điều này đi ngược lại hoàn toàn với phương châm sản phẩm của họ”.
Một chi tiết thú vị trong vụ kiện lần này chính là bản thân CEO Tim Cook cũng không hề hay biết đến chính sách kiểm tra đồ dùng nhân viên sau giờ làm của Apple. Phải đến khi có 2 công nhân gửi đơn khiếu nại trực tiếp đến ông, ông mới tức tốc gửi mail cho bộ phận nhân sự để xác nhận vụ việc.
Theo kết luận ban đầu của Tòa án, Apple có thể sẽ phải bồi thường đến hàng triệu USD cho toàn bộ những nhân viên từng trải qua quá trình kiểm tra đồ dùng cá nhân trong nhiều năm qua. Hiện tại, Tòa phúc thẩm Khu vực 9 đang xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ kiện, đối chiếu với luật pháp Bang để đưa ra mức xử phạt cuối cùng dành cho nhà Táo.
Theo GenK