Apple vừa bị một cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc cấm bán các mẫu điện thoại iPhone 6 và 6s ở Bắc Kinh, với lí do chúng vi phạm bằng sáng chế về thiết kế đối với smartphone 100C của một nhà sản xuất vô danh ở Trung Quốc.

{keywords}

Apple bị cấm bán iPhone 6 và 6 Plus ở Bắc Kinh với lí do sao chép thiết kế smartphone của một hãng điện thoại vô danh của Trung Quốc. Ảnh: Forbes.

Chủ của các bằng sáng chế nói trên, một công ty marketing đóng đô ở Thâm Quyến, có tên Baili dường như còn không có website, số điện thoại hoặc email, theo hãng tin CNBC. Các thông tin thêm về công ty này hiện cũng rất khó tìm. Điều duy nhất được công khai về Baili, như báo cáo của tập đoàn China International Capital là, công ty này tạo ra tới 29,6 triệu Nhân dân tệ (4,5 triệu USD) doanh thu hoạt động vào năm 2013.

Đây không phải là vụ kiện chống iPhone đầu tiên mà Apple phải đối mặt ở Bắc Kinh. Hồi tháng 5, Tòa án nhân dân tối cao Bắc Kinh cũng từng ra phán quyết rằng, Xintong Tiandi Technology, một công ty được cấp bằng sáng chế về nhãn hiệu "IPHONE" cho các sản phẩm bằng da vào năm 2010, được quyền sử dụng tên này.

Apple hiện đều phản đối cả hai phán quyết trên và nhấn mạnh rằng, tất cả các sản phẩm của hãng, kể cả iPhone 6 và 6 Plus, vẫn đang được bán ở Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc.

Mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm

Theo các chuyên gia, tác động tổng thể của lệnh cấm bán iPhone 6 và 6 Plus ở Bắc Kinh nhiều khả năng rất nhỏ. Các cư dân Bắc Kinh có thể dễ dàng đặt mua một trong hai mẫu điện thoại này từ các cửa hàng ở một thành phố lân cận. Quan trọng hơn, iPhone 6 và 6s nhiều khả năng sẽ không còn phát hành ra thị trường mùa thu này, ngay trước khi iPhone 7 trình làng. Do đó, việc dừng bán các mẫu iPhone 6 và 6 Plus cũ hơn, thậm chí có thể làm tăng cao nhu cầu về các mẫu iPhone mới hơn như iPhone 6s, 6s Plus và cả iPhone 7.

Tuy nhiên, nếu lệnh cấm ở Bắc Kinh vẫn được giữ nguyên sau kháng cáo của Apple, nó có thể trở thành tiền lệ cho các rắc rối mới, liên quan đến thiết kế của iPhone trong tương lai. Do iPhone 6s trông không khác nhiều iPhone 6 và iPhone 7 được đồn thổi là trông cũng như anh em song sinh của cả hai mẫu máy tiền nhiệm, nên vụ tranh chấp pháp lý lần này có thể là cuộc sát hạch dành cho một chiến dịch kiện tụng rộng lớn hơn khắp Trung Quốc, nhằm chống lại đại gia công nghệ Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, Táo khuyết có thể mất động lực để phát triển thị phần ở Trung Quốc, nơi chiếm tới 25% doanh số thiết bị bán ra của hãng trong quý vừa qua.

Tại sao Trung Quốc lại thẳng tay trừng trị Apple?

Các nhà phân tích cho rằng, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc ngày càng đề phòng các hãng công nghệ Mỹ do những quan ngại về an ninh quốc gia liên quan đến việc sử dụng công nghệ của Mỹ. Những quan ngại này cùng với mong muốn phát triển các doanh nghiệp trong nước đã dẫn đến một môi trường bảo hộ, gây khó cho các doanh nghiệp ngoại quốc muốn giành chỗ đứng tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Các văn phòng của Microsoft ở Trung Quốc từng bị lục soát năm 2014, để phục vụ một cuộc điều tra chống độc quyền hiện vẫn chưa có hồi kết. Nhà chức trách Trung Quốc cũng đã cấm cài đặt Windows 8 cho các máy tính của chính phủ, co lẽ do các lo ngại về bảo mật. Qualcomm, hãng sản xuất vi xử lý cho điện thoại di động lớn nhất thế giới, cũng bị Trung Quốc phạt gần 1 tỉ USD vì vi phạm luật chống độc quyền và buộc phải giảm phí bản quyền. Án phạt này đã tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Huawei, Lenovo và Xiaomi, đồng thời tạo lợi thế cho những doanh nghiệp này trước các đối thủ nước ngoài như Apple, Samsung và LG.

Nhiều công ty Mỹ đã xâm nhập vào Trung Quốc thông qua các liên doanh nhằm tránh các khoản thuế cao cũng như nhận được sự trọng đãi của chính quyền địa phương. Các công ty khác, chẳng hạn như Apple, phải đưa ra các cam kết lớn để bước vào thị trường này. Chẳng hạn như, Apple đã loại bỏ các ứng dụng iOS mà nhà chức trách Trung Quốc phản đối, chuyển các dữ liệu người dùng Trung Quốc sang các server do công ty quốc doanh China Telecom điều hành và cho phép chính phủ nước này tiến hành các cuộc kiểm tra an ninh trên mọi thiết bị bán ở đại lục.

Sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích dịch vụ khách hàng của Táo khuyết năm 2013, CEO Tim Cook đã phải công khai xin lỗi. Trong vụ tranh chấp pháp lý gần đây với FBI, ông Cook cũng phải trấn an các quan chức Trung Quốc về việc "sẽ không bao giờ xây cửa hậu" thâm nhập vào các sản phẩm của hãng.

Tuấn Anh (Theo The Motley Fool)