Phút 24 trận đấu với Newcastle ở vòng 26 Premier League, Mikel Arteta hét lên, hướng về khán đài và tung cú đấm vào không trung, như muốn tìm kiếm sự ủng hộ của người hâm mộ với Kai Havertz.

Đó là khoảnh khắc Havertz nâng tỷ số lên 2-0 trong chiến thắng chung cuộc 4-1, bàn thứ 7 của anh sau 36 trận chính thức cho Arsenal.

Bàn thắng mang lại niềm vui cho người hâm mộ và sự nhẹ nhõm với Arteta, người yêu cầu mua Havertz với giá 75 triệu euro (65 triệu bảng) bất chấp phản đối từ đội ngũ thể thao.

Mikel Arteta đánh cược uy tín của mình với gia đình Kroenke, chủ sở hữu người Mỹ của CLB, để ký Havertz. Ông cho rằng cầu thủ người Đức phù hợp với tham vọng chinh phục Ngoại hạng Anh.

"Arteta nói rằng Havertz sẽ thành công ở trung tâm", một thành viên giấu tên cấp cao trong bộ máy quản lý Arsenal, người đáng tin cậy của đồng chủ tịch Stan Kroenke và giám đốc bộ phận bóng đá Richard Garlick, giải thích.

Nguồn tin tiếp tục: "Việc đặt cược vào Kai là thay thế Granit Xhaka và chiếm vị trí quan trọng để duy trì sự cân bằng bóng đá, từ đó thực hiện bước tiếp theo cho phép chúng tôi vô địch Ngoại hạng Anh".

Đầu tư kỷ lục

Nhóm phản đối cho rằng Havertz là cầu thủ quá dễ bị phân tâm. Phí chuyển nhượng cùng mức lương cao nhất đội khiến Arsenal gặp khó khăn trong việc điều động tài chính.

Arteta đã thắng. Nhưng căng thẳng trong CLB vẫn chưa chấm dứt. Havertz đóng vai trò tiền vệ kiến ​​thiết lối chơi nhưng không thường xuyên tham gia vào trận đấu như ở Chelsea.

Thế trận của Arsenal được duy trì nhờ động lực phi thường của Declan Rice, Jorginho, Odegaard, Trossard và Gabriel Martinelli.

Tuy vậy, đội không cải thiện được tốc độ luân chuyển bóng so với mùa trước và vị trí trên bảng xếp hạng cũng kém hơn. Sau 26 vòng đấu, "Pháo thủ" đứng thứ 3 với 58 điểm, sau Man City (59) và Liverpool (60). Cùng kỳ năm ngoái, họ đứng đầu với 63 điểm.

Sự tiến triển của đội khiến gia đình Kroenke lo lắng. Họ cho rằng khoản đầu tư bỏ ra, riêng Havertz là hợp đồng đắt giá thứ 3 lịch sử CLB (sau Rice và Nicolas Pepe) xứng đáng có một bước nhảy vọt về chất lượng.

Ngoại trừ Chelsea chi gần 1 tỷ euro thay thế đội hình sau khi Roman Abramovich bị buộc phải ra đi, trong 4 mùa giải gần đây Arsenal là đội bóng châu Âu chi nhiều nhất cho chuyển nhượng.

Kể từ khi Arteta đến Etihad (12/2019), cán cân mua bán của Arsenal là con số âm 532 triệu euro, theo Transfermarkt. Số liệu này vượt xa PSG (-400), Liverpool (-290) và Man City (-280) trong cùng giai đoạn.

Trong 2 năm rưỡi đầu tiên ở Etihad, Arteta không có nhiều thành công. Mùa hè 2022 là bước ngoặt của sự thay đổi, khi chủ sở hữu yêu cầu nhà cầm quân người Tây Ban Nha phải xây dựng đội hình 4-3-3, nền tảng mô hình chiến thắng của Pep Guardiola.

Một đề xuất được đưa ra trong mùa hè 2022 mà nếu không chấp thuận Arteta sẽ bị sa thải. Theo đó, cựu tiền vệ 41 tuổi phải làm theo các bước do bộ phận thể thao vạch ra, đổi lại ông được đứng đầu dự án. Gabriel Jesus xuất hiện là bước đi đầu tiên.

Lộ trình diễn ra đúng như mong đợi. Kể từ mùa thu 2022, Thomas Partey tỏa sáng ở vị trí tiền vệ trung tâm. Xhaka chơi những trận đấu hay nhất trong sự nghiệp ở Arsenal. Odegaard từ một chỗ bị hoài nghi trở thành cầu thủ có tầm nhìn xa nhất ở Premier League.

Mặc dù hụt hơi vào cuối chặng, nhưng Arsenal được đánh giá đang trên đà chấm dứt sự thống trị của Man City trong tương lai gần.

Arteta đánh cược bằng uy tín của mình

Mùa hè vừa qua, gia đình Kroenke quyết định bứt phá về thể thao và tài chính, với 130 triệu euro cho Declan Rice. Khi tìm người thay Xhaka, Arteta đòi hỏi quyền lực của mình.

Arteta tin chắc rằng vị trí á quân Premier League, thứ hạng cao nhất kể từ 2015-16, là công sức của mình. Vì thế, ông yêu cầu ký hợp đồng với Havertz.

Trong các cuộc trò chuyện nội bộ, Arteta bảo vệ Havertz là cầu thủ có đủ các điều kiện cần thiết cho vai trò kiến thiết ở trung lộ: sự liên tục trong trận đấu, đôi chân linh hoạt, sự năng động và thể chất tốt.

Hầu hết các cố vấn của nhà Kroenke đều bày tỏ sự phản đối: họ coi anh thiếu liên tục và đãng trí, đồng thời cảnh báo rằng Havertz không giỏi với tư cách là nhà tổ chức để quản lý nhịp độ của trận đấu.

Khả năng bất thường của Havertz là tiếp cận khung thành đối phương khi trận đấu đang diễn ra để kết thúc bằng cú chạm bóng đầu tiên, nhưng yếu tố này không có tính liên tục.

Khi nhà Kroenke nghi ngờ về sự hiệu quả mà Kai có thể mang lại, Arteta, theo nguồn tin của Arsenal, dùng uy tín của mình để thuyết phục việc ký hợp đồng.

Sau 8 tháng, Kai Havertz vẫn chưa xác định được vị trí giữa hàng tiền vệ hay "số 9 ảo" (anh ghi bàn vào lưới Newcastle khi đá vai trò này, sau khi mờ nhạt trong trận thua Porto), tạo rất ít ảnh hưởng trong một Arsenal có rất nhiều cầu thủ giỏi.