Tai họa ập đến xóm nghèo ấp 2B xã Xuân Bắc (H. Xuân Lộc, Đồng Nai) vào sáng 12/5 khi 5 đứa trẻ của hai gia đình nông dân thuộc diện cực nghèo tại địa phương trên đường tìm kiếm nhặt nhạnh những quả điều còn sót sau thu hoạch.
Cả 5 đứa trẻ gồm 3 gái, 2 trai chết thảm dưới con mương chỉ cách nhà khoảng 200m theo đường chim bay mà không một ai hay biết. Chỉ khi đứa trẻ nhỏ nhất trong nhóm mới vừa lên 4 về nhà báo tin, bố mẹ và bà con chung quanh chạy đến, mọi việc đã an bài.
Chỉ tại cái nghèo
Ba chiếc quan tài trong căn nhà nhỏ. |
Không một ai có thể cầm lòng được khi nhìn vào bên trong 2 căn nhà nhỏ bé xiêu vẹo. Những chiếc quan tài được đặt ngay phía trước lạnh lùng và bên cạnh đó là những gương mặt thất thần gần như lịm đi vì nỗi đau tột cùng.
Gia đình anh Phạm Đức Hòa có khá hơn nhưng không phải là một hộ đủ ăn. Cả nhà vừa chăm nương rẫy vừa đi làm công cho các gia đình khác để tăng thu nhập.
Một điều trùng hợp là cả hai gia đình đều có 4 con và cả 8 đứa trẻ này đều là những học sinh rất giỏi của Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Ở nhà chúng đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi của hai gia đình nghèo này bỗng chốc bị tước đi, cùng một lúc 5 đứa con vĩnh viễn về với lòng đất lạnh.
Trước sự mất mát quá lớn này, dường như không còn một ngôn từ nào có thể diễn đạt được hết. Cảnh vật xung quanh hoàn toàn yên ắng. Con đường làng dẫn vào thôn xóm vắng bóng người đi. Chỉ còn văng vẳng tiếng nấc của cha mẹ khóc con, của những đứa trẻ còn sống khóc đứa ra đi . . .
Cuộc giải cứu của những đứa trẻ
Sáng 13/5, anh Phạm Đức Hòa tiếp chúng tôi trong tiềng nấc nghẹn ngào. Anh nói : “Đúng hôm nay là sinh nhật của cháu Uyên. Tuần sau đến lượt Hiệp, em nó. Cả hai từ bé đến giờ chưa đứa nào được tổ chức một buổi tiệc sinh nhật. Chúng nó mong lắm”.
Nói tới đây, hai dòng nước mắt lăn xuống trên gương mặt người đàn ông khắc khổ. Anh Hòa nói tiếp : “Mẹ và em về thăm ngoại ngoài Bắc. Đợi ít hôm nữa mẹ về đông đủ kết hợp tổ chức cho cả hai đứa vui hơn.
Cả hai đều đồng ý. Rồi Uyên xin phép cho con đi mót ít điều về bán kiếm thêm mua chiếc bánh kem nha bố. Tôi gật đầu. Thế là hai chị em nó cắp rổ ra đi và đi mãi mãi”.
Anh Hòa với xấp bằng khen về thành tích học tập của 2 con. |
Anh Hòa tâm sự, Hiệp vẫn thường hay đến các tiệm internet để trau giồi khả năng tin học. Mặc dù chỉ mới học lớp 3 nhưng cháu rất có khiếu. Thay vì như những đứa trẻ khác vùi đầu vào games, Hiệp cặm cụi mò mẫm.
"Dự định, sau mùa rẫy năm nay, tôi sẽ cố nhịn ăn nhịn chi tiêu để sắm cho
cháu dàn máy nhưng chưa kịp thì cháu đã không còn", anh Hòa nhói lòng chia
sẻ.
Các thầy cô giáo trường Đinh Tiên Hoàng cùng các bạn đồng lứa cũng đến tiễn đưa.
Không ai ngăn được dòng lệ. Các thầy cô bày tỏ sự tiếc thương vì cả 5 cháu đều
là con ngoan trò giỏi.
Anh Hoàng cố dằn cơn xúc động kể: “Thảo Vy là con gái lớn năm nay học lớp 5.
Là chị cả trong nhà, cháu ý thức được vai trò của mình luôn động viên các em
chăm học. Biết mắt bố bị mờ, mẹ bị bệnh tim, Vy nói với tôi, con và các em cố
gắng học cho thật giỏi để lớn lên có điều kiện giúp đỡ và chăm sóc bố mẹ”.
Con mương oan nghiệt, nơi các cháu gặp nạn (dấu mũi tên). |
Chúng tôi chạy đến con mương, mặt nước phẳng lỳ. Trên bờ còn bộ quần áo của cháu Trung Hậu. Chúng tôi và bà con xuống tìm đã vớt các cháu lên. Không đứa nào sống sót.
Bé Ngọc Ánh kể lại : "Sau khi đi mót được ít điều ngang qua con mương, chị hai xuống rửa tay bị trượt chân xuống nước. Thấy vậy, chị Uyên xuống cứu nhưng không được. Anh Hiệp nhảy xuống.
Chờ mãi không thấy gì, chị Vy xuống rồi cũng mất tăm. Anh Hậu cởi hết quần
áo nói với con nếu anh không lên được thì về gọi mẹ nhé. Thế rồi anh Hậu cũng im
luôn nên con mới chạy về báo tin...”
Chúng tôi đến hiện trường. Con mương nước rộng hơn 2m, dài 70m có độ sâu hơn 2m
xuyên ngang đám rẫy vừa mới được xuống giống. Bà con cho biết, trước đây hai bên
con mương là ruộng. Dòng nước chảy ngang chỉ là một con suối cạn. Sau đó, chủ
đất thuê cơ giới múc sâu lấy đất nâng ruộng thành rẫy.
Nhìn con mương, hai bên bờ thẳng đứng. Với độ sâu như thế thì người lớn nếu
không biết bơi cũng bỏ mạng huống chi là những đứa trẻ dại khờ.
Trần Chánh Nghĩa