Một cô bé 13 tuổi ước mình có tủ điện thoại yêu cầu của Doremon để có thể thay đổi được số phận của trẻ em Việt Nam.

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn Thị Thùy, Xóm 4 xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Tp. Hải Phòng.


Em là một cô bé 13 tuổi. Vâng, một cô bé lành lặn và may mắn, được sống với mẹ, được ăn học đầy đủ trên nền tảng mồ hôi công sức của người thương yêu nhất...

Em rất thích đọc truyện tranh, nhất là Doraemon vì trong đó có câu bạn "mèo ú" sở hữu thật là nhiều bảo bối thần kì. Nhiều lúc, em muốn chúng là của mình nhưng thấy hão huyền quá vì đó chỉ là truyện thôi... Nếu em có tủ điện thoại yêu cầu thì tốt biết nhường nào để em có thể ước thay đổi số phận trẻ em Việt Nam.

Cuộc điện thoại đầu tiên, chắc chắn em sẽ yêu cầu cho mọi trẻ em đều có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành. Thật đấy! Vì em rất thương những cô bé, cậu bé còn rất nhỏ mà đã phải đi bán xôi, bán báo, bán vé số ngoài đường.

Chẳng lẽ ở thời bình, lúc mà đất nước đang đi lên mà vẫn còn có những mảnh đời bất hạnh như thế sao? Phải chăng các bạn nhỏ ấy phải đánh đổi tuổi thơ không âu lo, hồn nhiên và vô tư nhất của đời người để lấy miếng cơm manh áo, thứ mà đứa trẻ nào cũng có quyền được hưởng? Rồi nữa, các bạn ấy đâu được đi học, đâu được sống bên người yêu thương mình, đẩy những tâm hồn non nớt và khờ dại ấy vào cơn lốc mưu sinh, cái nơi mà tệ nạn xã hội đầy rẫy, vô số những cạm bẫy, những nguy hiểm đó thì sẽ ra sao?

Khi lớn lên, các bạn ấy sẽ thế nào? Không có tri thức, sao có thể có một nghề nghiệp ổn định mà sống? Vả lại, vết thương lòng bị cào xé bởi tuổi thơ long đong lận đận, nay đây mai đó thì bao giờ mới lành lại được? Ngày mai của các bạn ấy ở đâu?

Nhấn số điện thoại lần thứ 2, em lại ước ao cho các bạn nhỏ vùng dân tộc thiểu số. Phải yêu cầu ngay, không thể để cái đói nghèo, lạc hậu làm hại các bạn ấy. Nhiều lúc, bật vô tuyến lên, em chẳng thể không sửng sốt bởi tin đã bắt được bao nhiêu tên buôn người, rồi những nạn nhân bất hạnh của chúng ra sao. Đáng sợ hơn, trong số đó còn có các trẻ em nữ đang ở tuổi vị thành niên. Làm sao có thể như thế được?

Tại sao người ta lại vô tâm đến nỗi bị lừa gạt, bị bán sang biên giới, chứa trong các ổ mại dâm hay làm lụng vất vả nhưng không được trả công, bị người ta bạc đãi, đối xử không giống con người chứ? Vì sao? Thưa, vì khát vọng đổi đời. Các bạn ấy không muốn sống trong cảnh đói nghèo, muốn đi tha phương làm việc để bố mẹ đỡ vất vả. Ý nghĩ đó ngây thơ quá!

Em cũng muốn đồng bào miền núi đừng lạc hậu như thế nữa. Tại sao người ta cứ bắt con cái mình phải tảo hôn, phải bỏ học làm nương rẫy? Liệu họ có thấy được tương lai phía trước của con em mình khi chúng thiếu giáo dục không? Đã vậy, người ta lại chẳng thể bỏ được những hủ tục lỗi thời. Em được biết có một dân tộc thiểu số coi cổ dài là nét đẹp của người phụ nữ. Từ nhỏ, các em bé gái đã phải dùng những lò xo kim loại để bó cổ, rất lâu mới được tháo ra một lần. Làm như vậy thì sẽ đau lắm mà cổ các bạn lại vừa dài, vừa yếu, mỏng manh, khó thở. Người lớn có lo cho sức khỏe của các bạn không?

Tiếp theo, em muốn thay đổi cả hoàn cảnh sống của chính những bạn nhỏ may mắn - không đói nghèo, không lạc hậu, không nhẹ dạ cả tin và không tàn tật. Đó không phải là lời nói đùa.

Chúng em rất non nớt, nhơ những mầm cây xanh cần có đủ điều kiện sống tốt nhất. Tuy giờ đã là thời đại có đủ mọi điều kiện sống tốt nhất để mầm xanh được lớn lên nhưng chúng em còn cần sự chăm sóc của người lớn. Đành rằng người lớn phải đi làm việc rất vất vả, rất bận rộn chỉ vì nuôi chúng em, nhưng chẳng nhẽ họ không thể dành một chút thời gian để quan tâm tới con cái mình hơn?

Họ biết chăng những mầm non của họ có thể cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và chao đảo vào những thói hư, tật xấu? Họ biết tất cả những gì con họ cần mà sao không thực hiện. Có lẽ, người thể chưa thể thực sự thức tỉnh sau những vụ bạo hành trẻ em tàn nhẫn, sau nhiều vụ cướp được gây ra mà thủ phạm chính là trẻ em tuổi vị thành niên.

Em biết sẽ chẳng có tủ điện thoại yêu cầu thần kì, chẳng có phép màu từ cây đũa thần của cô tiên xinh đẹp trong truyện cổ tích. Nhưng tin rằng, những điều ước trên sẽ trở thành hiện thực, chắc chắn thế.

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.