Năm 2013 là năm có nhiều đại gia địa ốc bị “ngã ngựa”, phá sản, thậm chí lâm vào vòng lao lý nhất.

Huỳnh Thị Huyền Như

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng đang xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Nguyên nhân khiến Huyền Như phải chiếm đoạt số tiền lớn như vậy cũng có nguồn gốc từ bất động sản.

Mấy năm trước, khi nền kinh tế còn sôi động, giữa lúc thị trường bất động sản hưng thịnh nhất, Huyền Như cũng theo chân các đại gia lao vào đầu tư bất động sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, lợi nhuận mà bất động sản mang lại vô cùng to lớn, nó như một quả bóng được bơn đầy hơi. Thừa thắng xông lên, Huyền Như dồn hết tâm sức vào canh bạc này.

Để có tiền đầu tư năm 2007, Huyền Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao và lao vào mua cổ phiếu, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Nhưng khi bong bóng bất động sản bắt đầu đỗ vỡ thì Huyền Như cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, vì là một tay không chuyên nên không có kinh nghiệm xử lý. 

{keywords}
Huyền Như tại tòa

Vì thế sau một thời gian làm mưa làm gió, chuyện làm ăn của Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu gặp khó vào năm 2009 - 2010, khi thị trường lao dốc, bất động sản ảm đạm, vài chục lô đất (một lô cả chục căn) của Huyền Như đắp chiếu không bán được, trong khi tiền lãi phải trả đều đặn khiến Như đuối sức, lấy phần này đắp phần kia.

Chính sách siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ khiến ngân hàng tạo sức ép với các khoản cho vay, càng đẩy Như khốn đốn hơn.

Cùng đường do làm ăn thua lỗ và hàng ngày phải trả lãi xuất cao, năm 2010, Huỳnh Thị Huyền Như gần như mất khả năng thanh toán.

Bị đẩy vào đường cùng Huyền Như phải xoay xở đủ kiểu đề kiếm tiền trả nợ. Để đối phó, từ tháng 3/2010 – 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của ngân hàng này, 7 công ty đồng thời làm giả tài liệu của nhiều đơn vị, cá nhân để lừa đảo hơn 3.900 tỉ đồng.

Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Vina Megastar

Đầu tháng 7/2013, dư luận xôn xao với thông tin ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Megastar bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Ông Long bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng của đối tác, khách hàng,…không thể thanh toán. Vinamega Star do ông Nguyễn Hoàng Long làm chủ tịch được thành lập vào 8/2001, khi đó ngành nghề chính là kinh doanh cơ khí và sắt thép.

Sau hơn 10 năm tham gia vào lĩnh vực công nghiệp nặng với các công ty được thành lập như Megastar E&C, Megastar Steel Trading, Megastar Energy,…hoạt động ở các tỉnh, thành phía Bắc. Đến 2008, doanh thu của tập đoàn này lên đến hơn 1800 tỷ. 

{keywords}
Đại gia Long với những dự án dang dở.

Trên con đường thành công của mình, khi thấy thị trường bất động sản "ngon ăn" vào những năm 2008, ông Long bắt đầu bước chân sang kinh doanh BĐS với thương hiệu Megastar Land.

Hàng chục dự án đã được lập để triển khai, trong đó đa phần ở Hà Nội như chung cư 409 - Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội), chung cư Megastar Xuân Đỉnh,…

Bắt đầu cuối 2010, Vinamegastar Land đã huy động vốn từ các đối tác, khách hàng để đầu tư vào dự án, số tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Lo ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư, từ cuối năm 2011, rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã tập trung thành nhóm để tìm cách đòi lại vốn mình đã góp vào dự án, nhưng gần như rất khó thực hiện.

Cho đến thời điểm này, khi ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt, số phận của dự án và hàng trăm khách hàng không biết đi về đâu.

Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Tổng Giám đốc dự án B5 Cầu Diễn

Sau khi thông tin ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt chưa nguôi, thì thị trường lại rúng động khi có tin một Tổng Giám đốc dự án BĐS khác bị bắt vào hồi tháng 9/2013.

Cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an đã thực hiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Văn Tuẫn - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ việc liên quan tới dự án khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền là hơn 100 tỷ đồng

Ông Tuẫn khi còn đương nhiệm đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất - Housing Group, do bà Châu Thị Thu Nga làm TGĐ. Tỷ lệ góp vốn 40-60 (trong đó, Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Nông lâm nghiệp góp 40%, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nhà đất góp 60%).

Sau khi hợp tác đầu tư, chủ dự án đã tiến hành huy động vốn cho dự án với khách hàng cá nhân cách đây khoảng 4 năm về trước, khoảng 30% giá trị căn hộ. Tuy nhiên số tiền trên đã không được dùng vào dự án mà bị ông Tuẫn sử dụng vào việc khác. Cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

(Theo VTC)