Cung đường được hoàn thiện và đưa vào lưu thông từ tháng 8/2017.
Nằm phía Nam vùng duyên hải miền Trung, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận và phía Đông giáp biển Đông là đường bờ biển dài bắt đầu từ ngã ba mới Cà Ná, cung đường ven biển DT701 nối TP. Phan Rang đến Cà Ná dài khoảng 50 km được dân phượt rất yêu thích.
Đường này được xây dựng với mục đích nối liền hai nhà máy hạt nhân trong tương lai của tỉnh Ninh Thuận, do đó du lịch bị hạn chế phát triển tại đây. Rong ruổi trên đường với một bên là biển, một bên là núi tuyệt đẹp, du khách không nên bỏ lỡ các điểm đến tuyệt đẹp.
Từ TP. Phan Rang đến Cà Ná là cung đường biển tuyệt đẹp (ảnh Ngọc Anh) |
Đồi cát và bãi biển Mũi Dinh
Điểm đầu tiên bạn nên dừng chân là đồi cát tại Mũi Dinh. Bạn có thể đi xe gắn máy xuống đồi cát để chụp ảnh. Đồi cát ở đây trắng phau, sạch sẽ và vì xa trung tâm nên không bị rác nhiều như ở đồi cát Nam Cương nằm trong TP. Phan Rang.
Chụp ảnh xong, bạn quay lên đường gửi xe tại hàng nước ven đường để xuống biển Mũi Dinh. Đường vào Mũi Dinh đi hoàn toàn trên cát, mà cát ở đây khô, nóng và rất khó đi. Thế nên, bạn có thể thuê người dân địa phương chở bằng xe địa hình, đưa đón khứ hồi với giá 100.000 đồng/người. Ngồi trên xe địa hình cũng là một trải nghiệm rất thú vị, rất đáng thử. Bởi, xe đi trên cát gập ghềnh, nhào lên nhào xuống giống như bạn đang được chơi trò mạo hiểm vậy.
Đồi cát màu sắc ấn tượng (ảnh Ngọc Anh) |
Đi xe jeep hoặc xe địa hình trên cát là đặc sản chỉ có ở Mũi Dinh (ảnh Ngọc Anh) |
Bãi biển ở đây nước trong vắt, bãi cát trắng mịn trải dài. Dau những trải nghiệm trên xe địa hình và đồi cát với nắng và gió rát mặt, bạn chỉ muốn lao ngay ra biển. Bạn cũng có thể thuê thuyền với giá 100.000 đồng/giờ của người dân để tham quan một vòng quanh biển Mũi Dinh. Chèo thuyền kayak cũng là một trong những hoạt động được ưa chuộng tại đây.
Trước khi xuống bơi và dạo chơi trên bãi biển, bạn có thể đặt ăn luôn tại các quán ăn nhỏ trên bờ. Tại Mũi Dinh, nhà hàng, quán ăn tại đây không nhiều, chỉ có 2-3 quán. Bạn có thể ăn cơm với người dân tại khu vực này với mức giá khá dễ chịu; hoặc thích ăn hải sản, bánh tráng nướng, bạn đặt trước với người dân để họ chuẩn bị.
Bãi biển Mũi Dinh nước trong vắt và sạch (ảnh Ng. Hà) |
Nơi đây còn hoang sơ, không quá đông khách và du lịch chưa phát triển (ảnh Ngọc Anh) |
Khách trèo lên Hòn Chồng ở bãi biển Mũi Dinh ngắm cảnh và chụp ảnh (ảnh Ng.Hà) |
Hải đăng Mũi Dinh
Điểm tiếp theo không thể bỏ qua sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi là thử thách trèo lên Hải đăng Mũi Dinh. Được xây dựng năm 1904, hải đăng nằm trên đỉnh núi Mũi Dinh, cách mặt nước biển gần 180m.
Đường lên ngọn hải đăng rất dốc nên bạn phải mất khoảng 20 phút đi bộ, vượt qua con dốc khúc khuỷu dài tầm một cây số. Hoặc bạn có thể thuê người dân ở quán đưa lên bằng xe máy, giá 50.000 đồng/người.
Ngọn hải đăng cao 16 mét, xây bằng đá granít, tọa lạc trên sườn núi cao khoảng 300 mét so với mặt nước biển (Ảnh Ngọc Anh). |
Từ đỉnh cao ngọn hải đăng, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thiên nhiên quyến rũ của vùng biển Mũi Dinh (ảnh Ngọc Anh). |
Trải nghiệm đi xe máy lên và xuống dốc ở đây khiến bạn có cảm giác như đang tham gia vào một trò chơi mạo hiểm. Có những đoạn dốc ngồi sau mà du khách thấy thót tim. Nhưng bù lại, càng lên cao, bạn càng mê mẩn với bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp hùng vỹ nơi đây.
Phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp mê hồn của bờ biển Mũi Dinh. Xa xa là những mỏm đá hòn Chồng nhấp nhô. Nhìn từ trên cao, bạn sẽ bị hút hồn bởi khung cảnh thiên nhiên bình yên tuyệt đẹp, hít hà hương vị gió biển mặn mà.
Mũi Dinh từ xa (ảnh Ngọc Hà) |
Tiếp tục lên đường đi vào phía Nam, bạn sẽ gặp những đoạn đường biển đẹp mê hồn. Một góc sống ảo không thể bỏ qua là mũi Rùa. Từ góc này, bạn có thể thấy hình một con rùa khổng lồ, nằm ôm theo bờ biển, được tạo hóa không hiểu vô tình hay cố ý sắp đặt. Trải qua hàng nghìn năm, “chú rùa biển thiên nhiên” vẫn nằm đó, tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp.
Vỉa đá hình con rùa ôm theo bờ biển (ảnh Ngọc Anh) |
Phải nhìn kỹ du khách mới thấy (ảnh Ngọc Anh) |
Hãy đi thật chậm để tận hưởng phong cảnh nơi đây, một bên núi non với những hòn đá nhấp nhô đan xen những tán cây rừng lá thấp tạo nên một cảnh đẹp thật ấn tượng, một bên là biển xanh ngắt sóng vỗ dạt dào với từng cơn gió mát lịm.
Đồng muối Cà Ná
Điểm tiếp theo bạn sẽ đến là Cà Ná. Cà Ná là một làng chài nhỏ yên bình với lịch sử hơn 100 năm làm muối, có từ thời Pháp thuộc.
Bạn sẽ thấy bát ngát những muối là muối. Cánh đồng muối rộng đến hàng chục héc ta, chạy dọc bờ biển Cà Ná. Những ụ muối trắng lấp lánh dưới cái nắng chói chang, hay ô ruộng đẫm nước, ửng hồng dưới ánh hoàng hôn. Tới đây, bạn càng thêm yêu vẻ đẹp mặn mòi của diêm dân, dù vất vả nhưng luôn tươi cười thân thiện với du khách.
Những đồi núi muối nhấp nhô, hạt muối lấp lãnh dưới ánh nắng (ảnh goninhthuan) |
Vẻ đẹp lao động tại đồng muối Cà Ná (ảnh goninhthuan) |
Ngoài ra, Cà Ná còn là điểm du lịch lý tưởng với nhiều bãi cát trắng trải dài. Biển ở đây quanh năm trong xanh, nhìn sâu tới đáy nhưng rất nhiều đá ngầm. Vì thế, theo tiếng Chăm, Cà Ná có nghĩa là đá ngầm. Nước biển ở đây mặn hơn những nơi khác từ 3 đến 4 độ, chỉ cần bơi khoảng 20m là đã xuất hiện các bãi san hô lấp lánh sắc màu, ẩn mình dưới độ sâu chưa đầy 2 mét.
Bãi biển Cà Ná. Ảnh yougovn |
Ngọc Anh
Bí ẩn bãi Ông Lang: Góc riêng tĩnh lặng ở Phú Quốc
Mặc dù đến Phú Quốc nhiều lần, đã ghé qua bãi biển Ông Lang nhưng tôi chưa hề ở dừng chân nghỉ đêm tại đây. Lần này, kỷ niệm 19 năm ngày cưới, vợ chồng tôi tìm một resort ở bãi Ông Lang để tận hưởng không gian riêng tư.