- Nếu tình cờ gặp bà Triệu Thị Thành ở ngay thôn Hạ Sơn (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình), ít ai nghĩ đó là một lang y nổi tiếng bởi vóc dáng của bà cũng khắc khổ, giản dị như nhiều phụ nữ Dao đứng tuổi khác.
Bà lang giản dị
Với những bệnh nhân bị cơn đau của các bệnh dạ dày, thần kinh tọa, trĩ nội trĩ ngoại (đặc biệt là với phụ nữ sau sinh) ở quanh vùng, thì bà lang Triệu Thị Thành (sinh năm 1957) là một tên tuổi quen thuộc. Bà cũng là hội viên Hội Đông y xã Tú Sơn.
Bà lang Thành. |
Tìm nhà bà lang Thành không khó, bởi nó nằm không xa đỉnh dốc Cun theo lối đi thị trấn Bo (huyện Kim Bôi). Nhưng nếu không hẹn trước thì gặp bà rất khó, bởi bà luôn đi núi tìm cây thuốc hoặc đi thăm chữa, gửi thuốc cho bệnh nhân ở xa.
Một căn nhà xây cũ kỹ với những vật dụng rẻ tiền. Nếu không thấy khu vườn rậm rạp và khoảng sân hẹp luôn có những bó cây cỏ tươi khô xếp lỏng chỏng, chủ yếu là dược liệu, rất khó hình dung đó là nhà của một thầy lang.
Thôn Hạ Sơn có 102 hộ dân, đều là người Dao, có nhiều lang y treo biển hiệu, nhưng mọi người đều biết bà lang Thành được hưởng nghề gia truyền từ hàng chục năm trước.
Người truyền nghề là cụ Phùng Thị Mủi, mẹ chồng bà. Cụ Mủi vốn là một thầy lang nổi tiếng, cả đời vất vả với nghề bốc thuốc. Thấy con dâu có những tố chất phù hợp với nghề y, nên đã tận tâm truyền nghề lại.
“Nghề gia truyền nên thường thì các bà mẹ hay truyền lại cho con trai, con dâu mà không phải là con gái. Ngày xưa, các cụ quan niệm rằng, con dâu là người nhà mình rồi, còn con gái thì sẽ sang làm người nhà khác, sẽ đem các bí quyết nghề nhà đi” - bà lang Thành vui vẻ cho biết.
Được mẹ chồng cầm tay chỉ việc, dẫn đi lấy cây thuốc, hướng dẫn tận tình cách phân biệt dược liệu, pha chế thuốc, thăm khám, nên chẳng bao lâu bà đã thành thạo.
Những lúc mẹ chồng bận, bà Thành thường thay mẹ bốc thuốc cho bệnh nhân. Lúc mẹ già yếu, bà thay mẹ lên rừng lấy cây thuốc. Khi mẹ chồng mất cách đây hơn 10 năm, bà chính thức tiếp quản nghề bốc thuốc gia truyền.
Bà thường tự mình đi hái thuốc, bởi có nhiều loại cây bà chỉ biết hình dáng, nơi sinh trưởng, công dụng mà tên gọi của chúng không phổ biến trong cộng đồng. Với nữa, khi hái một bụi cây, bà thường có ý thức để lại giống, sau này cây sinh trưởng trở lại chứ không tuyệt chủng dần.
Những vùng dược liệu ngày càng hiếm, chỉ còn ở những nơi xa xôi, hiểm trở. Các dãy núi cao như núi Mùn Cụt trước nhà, suối Mùn phía sau, hoặc các dãy núi đá vôi vô danh trong phạm vi khoảng 20km đều in dấu chân bà lang Thành.
Đơn cử như bài thuốc dạ dày của bà, tối thiểu cũng có hơn 10 vị thuốc, mà không phải vị nào cũng có thể sẵn có trong vườn nhà hoặc mọc ở các núi gần nhau. Và bà đều phải cần mẫn đi đến tận nơi để lấy.
Uống thuốc dạ dày, khỏi cả bệnh trĩ
Bà lang Thành bộc bạch: “Ngoài việc bốc thuốc, gia đình neo người nên tôi vẫn phải chăm lo việc nhà cửa, gieo trồng như những phụ nữ Dao khác để sinh sống. Vậy nên tôi không đủ thời gian bán thuốc dạo ở chợ huyện hay các thôn bản khác, bà con thường tìm đến nhà thôi.
Tôi chủ yếu chữa các bệnh về dạ dày, đại tràng, thần kinh tọa, trĩ nội trĩ ngoại. Với phụ nữ sau sinh, bị trĩ, tôi cũng cắt thuốc cho uống mà không ảnh hưởng tới việc cho con bú.
Những bài thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh cũng nhiều bà con trong vùng đến xin. Loại này đơn giản hơn, có thể hái quanh nhà thôi, nhưng rất tốt cho chị em trong những chuyện phụ nữ sau này”.
Bà lang Thành và những dược liệu sơ chế. |
"Có trường hợp, một anh ở bên Hòa Bình lái xe đưa người đến đây cắt thuốc, cũng tiện thể lấy cho mình một thang chữa dạ dày. Thời gian sau, lại thấy anh quay lại lấy thêm thuốc.
Rồi một hôm, anh chở cả một xe toàn người nhà đến cắt thuốc nhiều loại bệnh. Anh ấy cảm ơn tôi vì đã chữa khỏi cho anh… bệnh trĩ. Té ra anh này bị cả hai bệnh mà ngại không dám xin thuốc chữa bệnh trĩ.
Thực ra nếu anh ấy không giấu bệnh, tôi chỉ thêm chút ít liều lượng của một vị trong bài thuốc dạ dày thì anh ấy vừa chữa được dạ dày lại vừa khỏi luôn bệnh khó nói kia, mà không phải cắt thuốc hai lần” – bà lang Thành vui vẻ nói.
Bà Thành đưa cho tôi một cuốn vở học sinh cũ nhàu nhĩ ghi rất nhiều tên tuổi và địa chỉ, lời cảm ơn của các bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Tôi cứ thắc mắc tại sao với danh tiếng và những bài thuốc công hiệu và thiết thực như vậy mà gia cảnh của bà lang người Dao này lại rất thanh đạm?
Bà lang Thành cười nhẹ: “Thường thì tôi không bán thuốc theo thang, mà theo tháng (thời gian dùng thuốc). Mỗi tháng khoảng 20 thang, có kèm thêm cao lá hay không thì tùy bệnh.
20 thang thuốc ấy, nếu kèm cao lá, thì là 500 ngàn đồng. Còn không, thì chỉ 200 ngàn đồng thôi, tức là 10 ngàn một thang. Cao lá cần nhiều dược liệu và công sức để chế biến nên giá cao, ai có điều kiện thì dùng thêm, nếu không thì bệnh vẫn khỏi thôi”, bà Thành cho biết.
Lê Quân