Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, tốt nghiệp hai trường Đại học tại Việt Nam (Đại học Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân), thế nhưng nữ doanh nhân Ann Huỳnh (sinh năm 1983) lại thành danh trên đất Mỹ sau khi khởi nghiệp với S3i Inc - hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn xuất nhập khẩu - đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ khi tìm hiểu cơ hội đầu tư và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nhau.

Chị là người Mỹ gốc Việt duy nhất trong Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ gốc Á của TP. San Antonio (AAACC- tiểu bang Texas), đồng thời là cựu thành viên gốc Việt trẻ nhất, duy nhất trong Ban điều hành Hội đồng du khách quốc tế, TP. San Antonio (SACIV), cưụ thành viên gốc Á duy nhất trong Ban Quản trị khu dân cư PCA tại Alexandria, Virginia - nơi chị sinh sống cùng gia đình hiện nay. 

Ann Huỳnh vừa trở về Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2023) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Chị đã dành cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn nhân dịp này.

Nữ doanh nhân Ann Huỳnh. 

- Xin chào chị Ann Huỳnh. Được biết Công ty S3i do chị sáng lập tại Mỹ đã trở thành đối tác kết nối, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ của Việt Nam và Mỹ trong việc tiếp cận thị trường của nhau. Cơ duyên nào giúp chị bén duyên với công việc này?

Chị Ann Huỳnh: Trước đây khi ở Việt Nam, tôi làm việc trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, hỗ trợ thủ tục pháp lý, hành chính cho các doanh nghiệp FDI và giúp các doanh nghiệp nước ngoài vào mở thị trường tại Việt Nam. 

Sau đó, từ khi làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, tôi bắt đầu tập trung sâu hơn vào các hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. 

Khi một tập đoàn tại Việt Nam có ý định đầu tư và mở nhà máy sản xuất tại Mỹ, tôi giúp họ tham dự Hội nghị đầu tư FDI lớn nhất vào Mỹ “SelectUSA” do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức. Ở thời điểm đó, tập đoàn này xuất khẩu sang Mỹ với sản lượng lớn nhưng hay bị điều tra áp thuế chống bán phá giá. Vì vậy, họ quyết tâm đầu tư dưới dạng FDI vào Mỹ để tránh các rủi ro trong xuất khẩu. Rất tiếc sau đó, do thay đổi chiến lược, tập đoàn này dừng kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. 

Tuy nhiên, họ dừng nhưng tôi không dừng! (cười). Trong Tuần lễ khởi nghiệp của TP. San Antonio, Texas năm 2018, tôi quyết định thành lập công ty S3i tại Texas. Có thể nói, đó là thời điểm chính thức tôi tập trung vào kinh doanh toàn phần vào công ty của mình sau một thời gian làm việc cho Chính phủ Mỹ và các tập đoàn đa quốc gia. 

- Lĩnh vực tư vấn mà chị đang theo đuổi hiện nay có vai trò như thế nào với các doanh nghiệp?

Doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ hay doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam cũng cần phải tìm hiểu về thị trường, thủ tục đầu tư, luật pháp, văn hoá,... của nước sở tại. Do vậy, họ cần có một doanh nghiệp đứng giữa hiểu về cả hai bên để tư vấn. 

Tại Mỹ, ngành tư vấn phát triển rất mạnh vì họ hiểu rằng không ai có thể giỏi hết mọi lĩnh vực. Khi tôi làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia về tư vấn, nguyên tắc của nhà đầu tư nước ngoài khi vào bất kỳ thị trường nào là họ tìm đến tư vấn. 

S3i được định hình là tư vấn, kết nối thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ. Trong đó mong muốn lớn nhất của tôi là giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến gần hơn tới thị trường Mỹ. 

Rất mừng là hiện nay thương mại điện tử (TMĐT) đã phát triển mạnh mẽ nên doanh nghiệp Việt cũng có thêm nhiều cơ hội. Năm 2019, khi Amazon chưa lập văn phòng tại Việt Nam, chúng tôi đã giúp họ phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston tổ chức hội nghị về thương mại điện tử xuyên biên giới tại TP.HCM. 

Sau đó, chúng tôi tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam qua Texas tận mắt thăm kho hàng của Amazon. Đến nay đã có những doanh nghiệp Việt có gian hàng trên trang TMĐT này và đã thành công.

- Vậy S3i giúp được gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?

S3i có nhiệm vụ chính là tư vấn, thúc đẩy kinh doanh - đầu tư hai chiều giữa Mỹ và ASEAN, trong đó tập trung vào Việt Nam. Với sứ mệnh “Unlock global potential” - mở khoá tiềm năng toàn cầu - S3i hoạt động với phương châm 3 chữ S: Smart - Secure - Sustainable (Thông minh - An toàn - Bền vững). 

Cụ thể, S3i giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và Mỹ trong 3 việc chính: Nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường; hỗ trợ phát triển kinh doanh, cuối cùng là giúp doanh nghiệp tạo sự hiện diện và tiến dần thành công ty toàn cầu. 

Sản xuất không phải quá khó, vận chuyển đưa hàng từ Mỹ sang Việt nam hay từ Việt Nam sang Mỹ cũng không quá khó. Vấn đề khó nhất là bán được hàng và bán hàng bền vững, lâu dài, chứ không chỉ đưa lên kệ và sau đó phải hạ giá, thanh lý. 

Vì vậy, trong việc phát triển kinh doanh, chúng tôi cũng chú trọng tới việc tư vấn toàn diện và hỗ trợ tối đa, từ việc tư vấn logistics, thành lập pháp lý, tìm đối tác để cùng vận hành, thuê văn phòng, khai thuế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu,... Đến nay, chúng tôi đã đăng ký cho khoảng 300 nhãn hiệu của Việt Nam tại Mỹ.

Nữ doanh nhân Ann Huỳnh trong cuộc trò chuyện với VietNamNet. 

Mỹ là một thị trường rộng lớn, đa dạng cạnh tranh khốc liệt với đủ loại hàng hoá từ các quốc gia trên thế giới. Trước khi bán được hàng cần phải nghiên cứu kỹ về thị trường.

Trong quá trình tư vấn, tôi nhận ra các doanh nghiệp Việt thường nôn nóng muốn bán được hàng ngay. Thế nên, S3i Inc tham gia hợp tác với các công ty phân phối, bán hàng trong các ngành hàng khác nhau. Khi có sản phẩm từ Việt Nam thì chúng tôi sẽ đưa vào hệ thống showroom của các công ty này. Vì vậy, nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ không phải đầu tư vốn mà vẫn có đại diện tại Mỹ, Canada và châu Âu thông qua mô hình hợp tác với S3i và các công ty trong hệ thống. 

Ví dụ, chúng tôi vừa ký hợp đồng phân phối độc quyền tại thị trường Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) với doanh nghiệp sản xuất thiết bị vệ sinh và sản phẩm gốm sứ lớn nhất Việt Nam. Không chỉ để bán hàng, chúng tôi muốn giúp doanh nghiệp Việt này thành công ty toàn cầu với việc mở rộng văn phòng đại diện tại Mỹ, Canada, sau này là châu Âu.

Chúng tôi sẽ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Việt này tại Mỹ và thúc đẩy branding, marketing để từ đó người tiêu dùng tại Bắc Mỹ làm quen với thương hiệu thuần Việt, chứ không chỉ là thương hiệu của nước ngoài có mác “made in Vietnam”. 

Nói tóm lại, S3i cung cấp gói giải pháp tổng thể giúp các doanh nghiệp đầy đủ các dịch vụ nhưng phải với một chi phí tối ưu nhất vì chúng tôi hiểu doanh nghiệp của Việt Nam thường không có nhiều chi phí cho những việc này. 

Đây cũng là giải pháp sau nhiều ngày trăn trở muốn giúp doanh nghiệp Việt Nam nhưng họ lại không có vốn. Do vậy cần phải ra một giải pháp “ngon bổ rẻ” là cho doanh nghiệp Việt ký gửi sản phẩm trên các gian hàng của S3i trên sàn thương mại điện tử như Amazon, Wayfair, Etsy...

Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn là sản phẩm của Việt Nam phải hiện diện tại thị trường Mỹ, Canada, góp phần đưa doanh nghiệp Việt Nam trở thành công ty toàn cầu. 

 Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Việt Dũng, Lê Bích Thủy

Kỳ 2: “Doanh nghiệp Mỹ thực dụng còn doanh nghiệp Việt thích bề nổi”