Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong thời gian bà Tiến làm tư lệnh ngành y tế, Bộ trưởng nữ duy nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, bà đã thiết lập lại vấn đề phát triển y tế cơ sở, xây dựng hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở. Đây là một bước tiến trong ngành y tế.

“Y tế cơ sở bao gồm y tế xã, phường, thị trấn, y tế huyện, phòng khám đa khoa, bệnh viện huyện và y tế tư nhân ở các huyện, xã gắn liền với cơ sở, chính là cửa ngõ, là nòng cốt của chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

{keywords}
Ông Bùi Sỹ Lợi

Bộ trưởng Y tế đã quan tâm đến vấn đề này và đang hình thành mô hình bác sĩ gia đình chăm sóc tại nhà. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng”, ông Lợi nhìn nhận.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động phong trào làm chuyển biến chất lượng phục vụ của cán bộ ngành y tế, khôi phục lại và phát huy y đức trong ngành làm cho các thầy thuốc, cán bộ ngành y tế hướng thiện, coi bệnh nhân là trung tâm phục vụ.

Vì vậy, sự hài lòng của người dân đối với ngành y tế từng bước được cải thiện và nâng lên. Đến nay, sự hài lòng của người dân đối với y đức của ngành y tế là thay đổi rất căn bản.

"Bà Tiến là người rất gắn bó với thực tiễn, đi cơ sở lắng nghe, đề xuất việc mở số điện thoại online để tiếp thu, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân để điều chỉnh hoạt động của ngành y tế. Tập trung chỉ đạo để phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế.

Mô hình đưa bác sĩ trẻ xuống cơ sở và chuyển giao công nghệ kỹ thuật tiên tiến từ tuyến trên xuống tuyến dưới là một thành tựu của ngành y tế và có vai trò của Bộ trưởng" ông Lợi nói.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Lợi cho rằng Bộ trưởng Tiến đã có nhiều công lao đóng góp cho ngành y tế, được các ĐBQH đánh giá bằng lá phiếu tín nhiệm.

"Mặc dù không phải là ĐBQH nhưng tỷ lệ phiếu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng rất cao. Điều đó đánh đánh giá kết quả cống hiến, đóng góp của Bộ trưởng” ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý, ngành y tế còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, đó là hoàn thiện thể chế chính sách của ngành. Về mặt pháp luật có phần chậm hơn so với các lĩnh vực khác. 

“Một số luật không đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: luật Dân số, luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa trình Quốc hội và một số các nghị định, văn bản hướng dẫn dưới luật vẫn còn chậm, dẫn đến có những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, làm được những vấn đề đó cũng không phải đơn giản, cũng rất khó khăn”, ĐB tỉnh Thanh Hóa nói.

Hiện Việt Nam đã có luật Dược nhưng công nghiệp dược phát triển rất chậm. Việt Nam là một đất nước có rất nhiều cây dược liệu có giá trị cao để chế biến thuốc nam và thực tiễn nước ta đã chuyển nguyên liệu này cho Trung Quốc và các nước để chế biến thành thuốc rất tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát huy được khả năng nguồn dược liệu quý giá và trong công nghiệp dược có vấn đề quản lý dẫn đến một số vi phạm.

Vì vậy, ĐB kỳ vọng, thời gian tới ngành y tế cần phải xem xét phát triển công nghiệp dược của Việt Nam.

{keywords}
 

Thu Hằng - Trần Thường

Phút xúc động của  Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Phút xúc động của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Trong ngày làm việc tất bật cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn dành riêng cho VietNamNet cuộc trò chuyện vào chiều tối muộn trước ngày QH phê chuẩn miễn nhiệm.