Mời quý độc giả theo dõi video:

Bá Thước là cửa ngõ phía tây của Thanh Hoá, nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hoá. Nằm ở vùng núi cao, Bá Thước có khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ sinh thái đa dạng.

Những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Thái, của vị trí điạ lý chủ yếu là núi rừng đã làm nên thương hiệu du lịch độc đáo như:

Khu du lịch sinh thái Pu luông, Thác Hiêu, thác Muốn, thác Đán…Đây những chất liệu quý giá thuận lợi để Bá Thước phát triển du lịch cộng đồng.

Xác định, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy chất lượng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Bá Thước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả.

Trong đó, huyện triển khai Dự án 6 Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.

Cụ thể, đầu tư bảo tồn Làng văn hóa thôn Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng, tổng mức đầu tư 4 tỷ 890 triệu đồng; Hỗ trợ 2 đội văn nghệ thôn Bầm, xã Thành Lâm và thôn Báng, xã Thành Sơn mua cồng chiêng và trang phục cho đội văn nghệ; Hỗ trợ đội văn nghệ thôn Bầm, xã Thành Lâm: 48 triệu; đội văn nghệ thôn Báng, xã Thành Sơn: 48 triệu đồng; Hỗ trợ nghệ nhân nhân dân người dân tộc thiểu số 58 triệu đồng. Cải tạo sữa chữa nhà văn hóa của 6 thôn kinh phí 1 tỷ225 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bá Thước đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, góp phần giải quyết việc làm, tạo điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch cộng đồng.

Huyện đã quan tâm tổ chức sưu tầm, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào Thái và xóa bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, lễ hội...

Thời gian qua, việc tích cực lồng ghép phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đã và đang tạo đà cho việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Tới nay, toàn huyện có 102 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông là 82 cơ sở, công suất đón khoảng trên 2.800 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 420 lao động địa phương và hơn 300 lao động bán thời gian trong mùa du lịch.

Hàng năm, Bá Thước đón khoảng 250.000 lượt khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, tổng doanh thu ước đạt trên 200 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào nơi đây không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khoảng 30,94 triệu đồng.

Các gia đình có điều kiện khá giả, cơ sở vật chất, sinh hoạt đảm bảo. Nhiều hộ gia đình từ nghèo, cận nghèo đã vươn lên, có thể sắm sửa tivi, tủ lạnh, xe máy. Trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn.

Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lập quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; tăng cường bảo tồn các di sản văn hoá, bảo vệ môi trường trong sạch. Phấn đấu đến năm 2025, khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.