Năm 2010, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới với bình quân mỗi xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí và 31 xã, thị trấn chưa có đồ án quy hoạch nông thôn mới. Các quy hoạch, hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu sự gắn kết và chưa đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ. Thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Số xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cao.

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì đã ban hành các nghị quyết chuyên đề.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện. Đó là triển khai đồng loạt đến 30 xã và 1 thị trấn, với phương châm “Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Duy trì, củng cố vững chắc kết quả đạt được” để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện tổ chức tham quan, học tập các mô hình, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên cả nước. Xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề.

anh chup man hinh 2023 11 28 luc 114040.png
Nông dân Ba Vì hăng hái lao động, sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - Đỗ Mạnh Hưng cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã tiến hành triển khai đồng bộ, bài bản từ huyện tới cơ sở. Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát động phong trào thi đua, từ đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân, tạo ra những đột phá trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Vì.

Theo đó, UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới của 30/30 xã năm 2012. Xây dựng hạ tầng được xác định là động lực, tiền đề để phát triển, trong đó huyện đã bố trí và huy động vốn thực hiện đầu tư với hơn 9.943 tỷ đồng.

Đặc biệt, vốn đóng góp từ nhân dân đạt trên 329 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nâng cấp hơn 1.000km đường giao thông, 400km rãnh thoát nước ở khu dân cư cũng như cải tạo, xây mới 230km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường. 208/208 thôn có nhà văn hóa thôn; 28 chợ; 30/30 trạm y tế xã.

Phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm, với lợi thế vị trí và địa hình đẹp, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng thu hút trên 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch dịch vụ. Thu nhập bình quân toàn huyện Ba Vì năm 2022 đạt 55,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triệu đồng so với năm 2010).

Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Ba Vì đã và đang phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ. Với tiêu chí, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong những năm qua, Ba Vì đã lựa chọn được nhiều sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, Ba Vì có 47 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP, trong đó có 34 sản phẩm đạt 4 sao như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, giò đà điểu, miến, sản phẩm chay và 13 sản phẩm xếp hạng đạt 3 sao như: Thịt đà điểu, gà đồi, nghệ, mật ong… Tất cả các sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh được các cơ sở sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng kiểm định và ghi nhãn hóa theo quy định.

Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập người dân huyện Ba Vì trung bình đạt 53 triệu/năm, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn ngày thêm khởi sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay xuống còn 0,95%. 

Ngoài ra, công tác giáo dục cũng được đề cao với tỷ lệ 100% giáo viên đạt chuẩn, 86% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phổ cập THPT và tương đương đạt 96%; chất lượng dạy và học được nâng cao năm 2022 xếp thứ 16/30 quận, huyện của Hà Nội. Công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, toàn huyện có trên 91% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 84% thôn làng văn hóa.

Đặc biệt, huyện Ba Vì đã triển khai phong trào và cuộc thi thôn, ngõ xóm “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn” đã tạo cảnh quan môi trường nông thôn khang trang, sạch sẽ và đẹp, huy động xã hội hóa được trên 90 tỷ đồng. Vận động 294 hộ dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng số diện tích 7.974m2, lắp đặt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, thẩm mỹ trên 81.319 đèn chiếu sáng, trồng mới 75.788 cây xanh. 30/30 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và gần 97% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện.

Với những kết quả đạt được, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới.

Đây là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ động viên to lớn của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì, là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. 

Thời gian tới đây, huyện Ba Vì tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong tậm, các khâu đột phá, lựa chọn tiềm năng, thế mạnh, để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng văn minh giàu đẹp. 

Thanh Minh