Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Những kết quả mang tính bền vững, tạo ra diện mạo mới, khang trang và hiện đại hơn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có 15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành 100% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022.
Theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, hợp lòng dân do người dân nông thôn là chủ thể. Trong đó xác định Nhà nước đóng vai trò tổ chức, khuyến khích, hỗ trợ, mọi hoạt động phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng, phát huy tinh thần dân chủ.
Kinh nghiệm cho thấy, để xây dựng thành công xã nông thôn mới nói chung, nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng, các địa phương cần phát huy nội lực, thực hiện tốt công tác huy động vốn đầu tư. Ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, mỗi địa phương chủ động huy động nguồn vốn trong nhân dân và từ doanh nghiệp.
Các địa phương quan tâm thực hiện đồng bộ các tiêu chí bởi mỗi tiêu chí sẽ bổ trợ cho nhau, nếu một tiêu chí không tốt sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của phong trào. Đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, chú trọng phát huy thế mạnh nổi bật để triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng. Thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với chuyển đổi số để hình thành các làng, xã thông minh, du lịch nông thôn... hướng đến mục tiêu cuối cùng là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2023, lần đầu tiên Bắc Giang thực hiện đánh giá xã nông thôn kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2023- 2025 với nhiều nét mới, yêu cầu cao hơn song các địa phương đã chuẩn bị kỹ, phấn đấu từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Quảng Minh, huyện Việt Yên là địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, an ninh trật tự được xác định là nổi trội. Hằng năm xã có nghị quyết, kế hoạch về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Lợi thế của xã là trên địa bàn không xảy ra các hoạt động tập trung đông người khiếu nại, tố cáo vụ việc đã được cơ quan chức năng giải quyết đúng thẩm quyền. Không có vụ phạm tội về trật tự xã hội; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông. Xã không có công dân cư trú trên địa bàn phạm tội từ nghiêm trọng trở lên.
Quảng Minh đã xây dựng và triển khai 20 mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự như: Cựu chiến binh tự quản về an ninh trật tự ở cả 5 thôn; ngõ liên gia tự quản về an ninh trật tự; nhóm Zalo giữa Trưởng Công an xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa; mô hình tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy; camera an ninh tại các nga ba, ngã tư và các điểm tập trung đông người trên địa bàn toàn xã.
Năm 2021, nhân dân và cán bộ xã Quảng Minh được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trên địa bàn huyện Yên Dũng, xã Cảnh Thụy là địa phương được chọn điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Cảnh Thụy phải đạt nông thôn mới nâng cao, có ít nhất một mô hình thôn thông minh và đạt một trong các tiêu chí kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội.
Phát huy những kết quả đạt được và sự kế thừa từ nền tảng xã nông thôn mới nâng cao, Cảnh Thụy đã tập trung thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở những đặc trưng, đặc điểm tình hình và thế mạnh, xã lựa chọn thôn Đông để xây dựng mô hình thôn thông minh và lĩnh vực giáo dục là nổi trội.
Cùng với đó có sự kết hợp với các tiêu chí khác như: Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, trọng tâm là phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao; cứng hóa đường giao thông nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn. Duy trì và nâng cao chất lượng các phong trào tạo chuyển biến về môi trường, đường làng ngõ xóm, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp. Vận động, định hướng nhân dân xây dựng nông thôn mới “từ nhà ra vườn, từ đường ra đồng”, tạo diện mạo mới cho làng quê.
Hiện, xã Cảnh Thụy mang đầy đủ diện mạo của 1 xã thôn mới kiểu mẫu với hệ thống giao thông, thủy lợi tương đối đồng bộ. Đường trục xã, thôn, đường ngõ, xóm và các trục chính nội đồng được đầu tư xây dựng tạo thành một mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh. Hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Cả 9 nhà văn hóa thôn khang trang, được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời và có đầy đủ hệ thống bảng, biển báo, thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi tập luyện thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Trên các tuyến đường trục thôn được đặt 170 chậu hoa cây cảnh và có 920m tranh bích họa. Thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay đạt 67,41 triệu đồng/người (tăng 3 triệu đồng so với năm 2022).
Mô hình thôn thông minh ở thôn Đông có 1 hợp tác xã chế biến thực phẩm hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã, sản xuất mỳ ống, mỳ sợi và các loại bánh từ bột... Sản phẩm mỳ sợi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được bán qua sàn thương mại Postmart. Đây cũng là tiền đề để thúc đẩy các sản phẩm khác ở địa phương được tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, xã xây dựng mô hình sản xuất rau công nghệ cao trong nhà màng quy mô 5 ha tại xứ đồng Ao Vối (thôn Bẩy) theo tiêu chuẩn VietGAP và được tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị.
Cảnh Thụy là vùng quê có truyền thống hiếu học. Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong xây dựng nông thôn mới và là thế mạnh của địa phương nên xã đã lựa chọn đây là lĩnh vực nổi trội để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành mục tiêu, ngoài nguồn hỗ trợ từ cấp trên, Cảnh Thụy đã phát huy nội lực, tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư cải tạo sửa chữa, xây mới phòng học, phòng chức năng cho cả 3 nhà trường (mầm non, tiểu học và THCS).
Các trường học có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn chuẩn quốc gia, bảo đảm yêu cầu cho học sinh luyện tập, rèn luyện thể lực, kỹ năng như nhà đa năng, sân đá bóng, bể bơi, khu hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, thư viện thân thiện, dạy kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Tháng 8 vừa qua, xã Cảnh Thụy được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Đây là xã thứ hai của tỉnh hoàn thành mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu, sau xã Quảng Minh, huyện Việt Yên.
Đặc biệt, để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể…
Tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hoá, giáo dục; chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.
Những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, đơn vị, tuyên truyền các kết quả, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới với các phong trào như: “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Mở rộng đường giao thông nông thôn”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Làng xanh - sạch - đẹp”, “Văn hóa nông thôn mới"…
Các nội dung tuyên truyền được các địa phương trong tỉnh triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt và mang lại hiệu quả thiết thực như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, thông qua các tờ rơi, bài trong bản thông tin sinh hoạt nội bộ hàng tháng, trên trang tin Cổng thông tin điện tử của huyện, thông qua các hình thức như: Sinh hoạt chi bộ, chi hội, tổ hội; tọa đàm tiếp âm, xây dựng chuyên mục, bài viết, trên đài truyền thanh huyện và các xã…