Cheng Wei - nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Didi - chứng kiến tài sản giảm khoảng 1,2 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index. Trong khi đó, tài sản của bà Jean Liu - nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Didi - lao dốc 300 triệu USD.

Theo Nasdaq, mức giá đóng cửa của cổ phiếu Didi trong phiên giao dịch ngày 6/7 là 12,49 USD/cổ phiếu, giảm đến 19,58% so với một ngày trước đó và thấp hơn ngưỡng giá IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 14,14 USD/cổ phiếu.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 6/7, giá cổ phiếu có thời điểm lao dốc 30% xuống 10,9 USD/cổ phiếu. Đà giảm thổi bay 22 tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc.

Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Ty phu anh 1

Ông Cheng Wei, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Didi, mất 1,2 tỷ USD sau đòn giáng của chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Wall Street Journal.

Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty. Didi thừa nhận động thái của cơ quan quản lý Trung Quốc "có thể tác động bất lợi" đến doanh thu của công ty.

Đợt sụt giảm mạnh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Didi IPO thành công trên sàn New York và thu về 4,4 tỷ USD. Công ty bán được 317 triệu cổ phiếu, nhiều hơn khoảng 10% kế hoạch ban đầu. Trước khi IPO, Didi đã trao cho một nhóm giám đốc điều hành cấp cao và thành viên hội đồng quản trị quyền chọn cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD.

Trong tuyên bố hôm 6/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện các quy định và luật pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin mật. Ngoài ra, hội đồng cho biết đang tăng cường giám sát và sửa đổi các quy tắc đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu Didi hoãn IPO từ ít nhất ba tháng trước. Họ lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến kho dữ liệu người dùng khổng lồ mà hãng gọi xe nắm giữ.

Ty phu anh 2

Giá cổ phiếu của Didi sụt giảm mạnh sau khi vướng vào rắc rối pháp lý với cơ quan quản lý Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trước đó, cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đã yêu cầu Didi chấm dứt việc tăng giá tùy tiện và đối xử bất công với tài xế.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cũng yêu cầu công ty đảm bảo công bằng cho hành khách và tài xế. Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận đối với nền kinh tế tạm bợ (gig economy), vốn bị cho là bóc lột những người lao động hợp đồng.

Hồi tháng 4, Didi cũng nằm trong số hơn 30 công ty Internet lớn được cơ quan quản lý chống độc quyền và cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc triệu tập. Những công ty này bị yêu cầu tự thanh tra về các hoạt động chống độc quyền, chính sách thuế, việc tuân thủ luật và quy định liên quan.

"Chúng phù hợp với chiến lược của Bắc Kinh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Hong Kong, Thượng Hải và Thâm Quyến", ông Benjamin Zhan, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Danh mục đầu tư tại Dynamic Funds, bình luận.

Theo Zing

Vì sao Bắc Kinh điều tra Didi?

Vì sao Bắc Kinh điều tra Didi?

Vụ điều tra Didi Chuxing và yêu cầu gỡ bỏ app khỏi các chợ ứng dụng trong nước của nhà chức trách Trung Quốc là lời cảnh tỉnh mới cho nhiều hãng công nghệ lớn.