Năm 2020, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi các nhóm hàng khác gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện vẫn đạt doanh số trên 50 tỷ USD do nhu cầu tiêu dùng điện thoại thông minh tăng trong điều kiện dịch bệnh.
Thời điểm bùng phát dịch tại Trung Quốc, hầu hết các nhà máy cung cấp linh kiện điện tử đều phải đóng cửa. Do vậy, hoạt động sản xuất điện thoại và linh kiện trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu nguyên vật liệu. Qua đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng những tháng đầu năm 2020 giảm mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam năm 2020 đạt 51,2 tỷ USD, giảm 0,4% so với năm 2019 và chiếm trên 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của khối doanh nghiệp FDI đạt 50,0 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm trước và chiếm 97,75% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.
Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, năm 2020 đã đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm. Bởi lẽ trong 10 năm trước đó, đây là nhóm mặt hàng luôn có mức tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí có năm tăng trưởng đến 3 con số như năm 2011 tăng tới 178,3% so với năm 2010. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này những năm qua luôn đóng góp đến trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp FDI, trong đó các dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp lớn nhất. Hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. Đối với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.
Nếu xét về số lượng, Thái Nguyên sẽ là địa phương đứng đầu về xuất khẩu điện thoại năm 2020 với hơn 98,4 triệu chiếc. Bắc Ninh đứng thứ hai với hơn 94,6 triệu chiếc. Tuy nhiên, nếu như Bắc Ninh sản xuất đa dạng các chủng loại điện thoại, thì Thái Nguyên chủ yếu tập trung vào các dòng điện thoại thông minh có giá giao động từ 3-10 triệu đồng/chiếc.
Năm 2020 - đơn vị: chiếc |
Điện thoại từ Việt Nam đã xuất đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc là thị trường chính dẫn đầu tiêu thụ nhóm sản phẩm này. theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại, linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 24,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại của cả nước và tăng 48,8% so với năm 2019.
EU đứng thứ hai về kim ngạch, đạt 8,5 tỷ USD, giảm 16,6%. Tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng xuất khẩu điện thoại cả nước. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 4,6 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2019. Các thị trường xuất khẩu có sự tăng trưởng cao là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Canada, trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất đến 48,8%. Ở chiều ngược lại, ASEAN là thị trường có xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh nhất 36,4%, giảm 845 triệu USD so với năm 2019.
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại di động nguyên chiếc đạt kim ngạch 28,79 tỷ USD, giảm 13,0% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm đến 56,3% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng. Trong đó, điện thoại nhãn hiệu Samsung đạt trên 25,9 tỷ USD, giảm 17,7% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của Việt Nam. Điện thoại nguyên chiếc xuất khẩu chủ yếu sang EU và Hoa Kỳ. Riêng 2 thị trường này đã chiếm đến gần 58% thị phần kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc.
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại của nước ta đạt trên 19,36 tỷ USD, tăng 23,0% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu linh kiện điện thoại sang Trung Quốc đạt 11,6 tỷ USD, chiếm 59,8% kim ngạch xuất khẩu, tăng 48,8% so với năm 2019 và chiếm tới 94,4% kim ngạch xuất khẩu cả nhóm hàng điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc.
(Theo Nhịp sống kinh tế)
Forbes: Việt Nam đã tự sản xuất điện thoại thông minh, thế tại sao họ vẫn chưa bán được?
ictnews Tác giả Ralph Jening đã có bài phân tích khá sâu sắc trên tờ Forbes về những doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được điện thoại thông minh, nhưng lại chưa thể thành công.