Theo Ths.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều người thường đồng nghĩa bệnh lây qua đường quan hệ tình dục (lậu, giang mai, nhiễm chlamydia, mụn rộp sinh dục, HIV…) và vấn đề đạo đức. Điều này cần thay đổi bởi nó gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh và y bác sĩ trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân. 

Theo đó, người bệnh đã rất mệt mỏi vì bệnh tật lại phải đối mặt với kỳ thị, đau đớn hơn là người bệnh lại kỳ thị, đôi khi chán ghét chính bản thân mình. Bên cạnh đó, quá trình thăm khám, Ths.BS Thành gặp nhiều bệnh nhân giấu bệnh, nhất định không dám chia sẻ với bác sĩ. Vì sợ bị kỳ thị nên họ cũng giấu bệnh với cả người thân, bạn đời… gây hậu quả lớn, thay vì một người bị bệnh có thể khiến cả nhà bị bệnh. 

Trái lại chúng ta cần cởi mở đối mặt với bệnh tật, đôi khi lạc quan khi phát hiện ra bệnh coi là điều đáng mừng vì hiện tại đa số các bệnh lây qua đường quan hệ tình dục đều có thể chữa trị hoàn toàn nếu được phát hiện sớm.

Theo Ths.BS Phan Chí Thành, anh từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng đưa nhau đến thăm khám và không tránh khỏi xung đột khi phát hiện ra một trong 2 người mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục.

“Đây không chỉ là câu chuyện chữa bệnh, còn là câu chuyện giải quyết niềm tin. Nhiều người vợ, người chồng liên tục căng thẳng, tố cáo đối phương không chung thủy, đòi “làm ra nhẽ”.

Gặp tình huống ngày, bác sĩ luôn phải động viên đây là bệnh có thể chữa khỏi. Mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không phải lúc nào cũng do bạn đời không chung thủy bởi bệnh không chỉ lây truyền qua quan hệ tình dục mà còn có những đường lây truyền khác như qua mẹ truyền cho con khi có thai, khi cho con bú và qua các dụng cụ tiêm, chích và tiếp xúc ngoài da. Ngoài ra, bệnh có thể tiềm tàng từ nhiều năm trước”, bác sĩ chia sẻ.

Ths.BS Thành cũng lấy ra một dẫn chứng, đó là 2 bạn trẻ yêu nhau nhưng gặp mâu thuẫn do phát hiện bạn trai mắc bệnh lây qua đường tình dục (viêm nhiễm rất nặng tại cơ quan sinh dục). 

Ths.BS Phan Chí Thành

Người bạn gái khóc lóc cho rằng, chị chỉ có duy nhất một người bạn trai, hiện tại, bạn nam mắc bệnh chắc chắn là anh đã không chung thủy. Trong khi đó, bạn trai cũng nằng nặc khẳng định, hiện tại anh chỉ có một bạn gái, hoàn toàn không có quan hệ ngoài luồng.

Cuộc cãi vã trở nên căng thẳng. Qua quá trình nói chuyện, tìm hiểu, bác sĩ được biết, trước đây, người bạn trai này đã tình có mối quan hệ với người yêu cũ. Họ chia tay và anh đến với bạn gái hiện tại. Lúc này, bác sĩ phân tích có thể người nam đã mắc bệnh từ nhiều năm, trước cả khi quen bạn gái mới. Bệnh tiềm tàng nhiều năm, hiện tại mới phát tác. Sau khi được bác sĩ phân tích, động viên, cặp đôi mới thông cảm cho nhau hơn.

Th.Bs Phan Chí Thành cũng khuyến cáo, bệnh lây qua đườn quan hệ tình dục phải được thăm khám sớm, điều trị triệt để vì hậu quả bệnh để lại khá nghiêm trọng. 

Bệnh lây qua đường quan hệ tình dục phức tạp, không chỉ 1 loại vi khuẩn, hoàn toàn có thể nhiều loại vi khuẩn. Ví dụ vi khuẩn lậu không phải một con, ngoài lậu còn nhiều loại vi khuẩn khác có thể đi kèm như chlamydia. Hầu hết bệnh lây qua đường tình dục đều phá hoại nghiêm trọng hệ thống sinh sản của nam giới với viêm mào tinh, viêm tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh…  Với nữ giới là các viêm nhiễm ngược dòng, khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm toàn bộ vòi trứng, viêm tắc vòi trứng…

“Các bệnh lây qua đường quan hệ tình dục, chúng ta phải đi tìm, phát hiện, không thể chờ khi có triệu chứng mới đi khám bởi nhiều bệnh không có triệu chứng, người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh”, Ths.Bs Thành nhấn mạnh. Khi đi khám thường 1 trong 2 vợ chồng có bệnh. Từ đó, người có bệnh bị kỳ thị, người không bệnh thì chất vấn, đổ lỗi mặc dù không chắc người có bệnh là người lây truyền vì đơn giản họ chỉ là biểu hiện bệnh.

Cũng theo bác sĩ, nữ giới dễ mắc các bệnh lây qua đường quan hệ tình dục hơn nam giới. Nguyên nhân là do cấu tạo cơ quan sinh dục nữ giới đặc biệt. Cụ thể, nam giới sau quan hệ sẽ xuất tinh ra ngoài, ngược lại cơ quan sinh dục nữ “như cái cốc”, sau quan hệ dịch sẽ đọng lại ở đấy. Vì vậy nếu không dùng biện pháp bảo vệ người nữ nguy cơ lây nhiễm cao hơn rất nhiều, kể cả HIV. 

“Bệnh lây qua đường tình dục bắt buộc điều trị cả hai. Nhiều người chồng từ chối điều trị với lý do “không có bệnh, không có biểu hiện”. Tuy nhiên 1 trong 2 người xét nghiệm, phát hiện có bệnh, người còn lại kết quả xét nghiệm như thế nào cũng phải điều trị. Nếu không điều trị triệt để sẽ không hết bệnh”, Ths.BS Phan Chí Thành cho biết.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đi khám sớm, điều trị sớm sẽ có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn. Ngược lại, chờ đến lúc có biểu hiện bệnh mới đi khám là quá muộn vì bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như tắc vòi trứng, viêm quanh gan, viêm lan tràn ra toàn ổ bụng… 

“Ba trụ cột của tình dục an toàn bao gồm, thứ nhất bạn phải có kiến thức tốt, thứ hai, bạn thực hành tình dục an toàn (dùng các biện pháp bảo vệ, biết cách từ chối khi người tình đề nghị thực hành hành vi tình dục không an toàn). Thứ 3, bạn nên đi khám, sàng lọc định kỳ để sớm phát hiện bệnh”, bác sĩ chia sẻ thêm.

Ngọc Trang

Người mắc Covid-19 có nên quan hệ tình dục?

Mắc Covid-19 liệu có thể quan hệ tình dục và quan hệ như thế nào để đảm bảo an toàn về sức khỏe là câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại là thắc mắc của nhiều người.