Sinh ra là những cô bé đáng yêu nhưng lớn lên họ luôn phải tranh đấu giữa cơ thể thực tại và mong muốn thẳm sâu. Một số ít vượt qua ranh giới, tìm về con người thực của mình bằng cách phẫu thuật thay đổi diện mạo.

So với phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ, phẫu thuật ở chiều ngược lại khó hơn rất nhiều. Đó là hành trình tìm lại chính mình nhiều nước mắt, đau đớn nhưng hạnh phúc.

4 năm điều trị hormone, 6 lần phẫu thuật

Cộng đồng chuyển giới tại Việt Nam có khoảng 300.000 người, hầu hết đều ra nước ngoài phẫu thuật. Có người phẫu thuật một phần, người phẫu thuật toàn bộ song ít người biết, ở Việt Nam có những bác sĩ thực hiện phẫu thuật chuyển giới thường quy.

GS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, ĐH Y Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng các ca phẫu thuật xác định lại giới tính từ nữ sang nam do hội chứng “nam lưỡng giới giả nữ”, ông đã thực hiện 30 ca và can thiệp 15 ca mù mờ giới tính muốn chuyển thành nam.

{keywords}

GS Thiết Sơn là người thực hiện hàng chục ca chuyển giới từ nữ sang nam tại Việt Nam

 

Riêng những trường hợp là nữ giới thật sự nhưng bản tính đàn ông chảy trong huyết mạch và muốn phẫu thuật thành nam giới, ông đã phẫu thuật 10 ca.

Đến nay, bệnh nhân trẻ nhất chuyển giới nữ sang nam là 22 tuổi, lớn nhất là 35 tuổi.

GS Sơn vẫn còn nhớ như in ca bệnh chuyển giới năm 2008 cho nữ bệnh nhân Nguyễn Thị P., 26 tuổi ở Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp đại học, P. đi làm nhưng luôn muốn gọt bỏ hình hài nữ giới của mình. Cô gái có khuôn ngực hơi nhú, tử cung, buồng trứng vẫn bình thường nhưng giọng nói như đàn ông luôn khát khao thay đổi hình hài tạo hoá.

Để bắt đầu hành trình chuyển đổi cơ thể, P. đã mất thời gian khá dài xác định lại tâm lý, vì phẫu thuật rồi không thể trở lại như xưa. Sau đó, cô gái trẻ phải điều trị nội tiết, bổ sung hormone testosterone suốt 4 năm.

Thời điểm đó, rào cản xã hội rất lớn nhưng cô gái trẻ đã mạnh mẽ vượt lên tất cả để sống thực với mong ước của mình.

GS Sơn cho biết, khi điều trị hormone, sau khoảng 2 tháng tử cung đã bắt đầu thoái hoá, teo dần, buồng trứng không hoạt động, phụ nữ dứt kinh nguyệt, giọng nói thay đổi, râu bắt đầu mọc, khối cơ bắp nhiều hơn, tăng kích thước âm vật, ngực nhỏ đi…

Thông thường, giai đoạn điều trị nội tiết cho mỗi bệnh nhân chuyển giới từ nữ sang nam mất 2-4 năm.

Ca phẫu thuật đầu tiên P. thực hiện là cắt bỏ tuyến vú. 6 tháng sau, P. tìm đến bác sĩ sản khoa để cắt bỏ buồng trứng và tử cung. Sau đó, cô quay lại gặp GS Sơn để tạo hình lại bộ phận sinh dục với nhiều cuộc phẫu thuật.

“Tổng cộng bệnh nhân phải trải qua 6 cuộc phẫu thuật. Nếu bác sĩ không thể kết hợp nhiều thì trong một cuộc mổ, số lượng cuộc phẫu thuật sẽ tăng lên 8-9 với tổng thời gian 4-5 năm do mỗi cuộc mổ cần cách nhau ít nhất 6 tháng”, GS Sơn nói.

Theo GS Sơn, để thay đổi hình hài một con người không thể nóng vội, khoảng cách 6 tháng cho mỗi cuộc mổ là khoảng thời gian để bệnh nhân nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khoẻ và tâm lý còn bác sĩ cần thời gian để theo dõi những biến chuyển trước khi tiếp tục can thiệp.

Đã hơn 10 năm trôi qua, cô bệnh nhân ngày nào giờ đã thành “người đàn ông” gần 40 tuổi, “anh” vẫn thi thoảng khoe với GS Sơn cuộc sống mới đầy hạnh phúc và luôn cảm ơn bác sĩ đã ‘nặn’ ra mình lần thứ hai.

“Cậu nhỏ” cuộn bằng da vẫn hoạt động tốt

Trong quá trình “đập đi xây lại” để biến một phụ nữ thành nam giới, duy chỉ có phần cắt bỏ buồng trứng hoặc tử cung được thực hiện bởi các bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ ngoại, phần còn lại là công việc của bác sĩ phẫu thuật tạo hình.

Bước đầu tiên, đơn giản nhất là cắt bỏ tuyến vú, tuỳ tay nghề bác sĩ có thể thực hiện cắt mở hoặc nội soi, nếu tuyến vú bị teo sau khi uống thuốc nội tiết, có thể chỉ cần hút mỡ giảm thể tích.

{keywords}

Cắt bỏ ngực là bước đầu tiên chuyển đổi một phụ nữ thành nam giới

 

Bước 2, mổ nội soi cắt bỏ buồng trứng hoặc cắt cả tử cung. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không can thiệp, phòng trường hợp muốn có con sau này.

Theo GS Sơn, trước đây, hầu hết bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn tử cung của bệnh nhân nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy việc loại bỏ tử cung khiến 70% người chuyển giới mất khoái cảm tình dục. Do vậy, xu thế hiện nay là chỉ cắt buồng trứng, giữ lại tử cung vì đây là bộ phận tiết ra libido, sinh ra hưng phấn.

Bước 3, tái tạo dương vật. Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau chuyển giới.

GS Sơn cho biết, trong bước ba gồm 3 bước nhỏ: Tạo hình thân dương vật; tái tạo bao quy đầu và tái tạo niệu đạo.

Nếu bác sĩ không có chuyên môn, sẽ phải tách thành 2 cuộc phẫu thuật, đồng nghĩa bệnh nhân sẽ mất thêm 1 năm chờ đợi. Tuy nhiên với người dày dạn kinh nghiệm như GS Sơn, ông có thể gộp 3 bước thành 1.

Đầu tiên, bác sĩ xác định vị trí tạo hình thân dương vật tại vị trí dưới mu. Có nhiều chất liệu để tạo dương vật như sử dụng vạt da dưới cánh tay, vạt da ở đùi…

GS Sơn chọn vạt da đùi, cuộn lại theo kĩ thuật ống nằm trong ống, bọc bên trong là niêm mạc miệng để tạo thành niệu đạo.

Để có thể nối chính xác các mạch máu, dây thần kinh cảm giác từ vạt da với bẹn, bác sĩ phải làm chủ được kĩ thuật vi phẫu với sự trợ giúp của kính hiển vi. Thông thường, phần công việc tỉ mẩn này sẽ mất 6-8 tiếng, “cậu nhỏ” sau khi tạo hình sẽ có chiều dài từ 10-12 cm.

Đây là bước khó nhất, nếu có sai sót, “cậu nhỏ” vừa tạo sẽ bị hoại tử và phải tháo bỏ. Trong các ca GS Sơn đã thực hiện, tỉ lệ sống lên tới 90%.

Với phần bao quy đầu, bác sĩ sẽ lấy da ở vùng bẹn ghép lên đầu dương vật, tạo hình lại sao cho giống thực nhất.

“Trên thế giới, hầu hết các bác sĩ khi tạo niệu đạo đều sử dụng luôn vạt da có sẵn. Tuy nhiên nhược điểm của da là khả năng chịu đựng nước tiểu kém, bị mọc lông có thể gây tắc lỗ tiểu trong khi niêm mạc miệng có sức chịu đựng rất tốt với nước tiểu, không gây co thắt, không mọc lông và có thể tiết chất bôi trơn hết sức tự nhiên”, GS Sơn chia sẻ.

Vật liệu niêm mạc miệng cũng được GS Sơn sáng tạo sử dụng để tạo hình âm đạo cho những trường hợp phụ nữ không may mắc dị tật không âm đạo.

Bước 4, sau 6 tháng thực hiện tạo hình dương vật, bác sĩ sẽ đặt thể hang cho “cậu nhỏ” bằng sụn sườn tự thân, bóng nhân tạo, silicone…

Nếu thực hiện không khéo, bệnh nhân có thể gặp biến chứng dò đường tiểu (chiếm khoảng 30%), khi đó phải phẫu thuật chỉnh sửa lại đường niệu đạo.

Bước 5, tạo bìu cho bộ phận sinh dục bằng cách sử dụng vạt da 2 bên bẹn cuộn lại. Riêng GS Sơn sử dụng luôn môi lớn để cuộn lên.

Bước 6, sau 6 tháng bệnh nhân sẽ đặt tinh hoàn giả bằng silicone nhiều kích cỡ.

GS Sơn sẽ kết hợp bước 5 và bước 6 ngay trong 1 cuộc phẫu thuật, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bước 7, đóng âm hộ. Khi đó, cô gái sẽ lột xác thành một người đàn ông.

“Khác với bình thường, “cậu nhỏ” sau phẫu thuật của người chuyển giới luôn giữ chiều dài giống như khi tạo, không thể thu nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng quan hệ tình dục rất tốt do có thể cương cứng và có cảm giác như thường”, GS Sơn nhấn mạnh

Tuy vậy, sau một thời gian phẫu thuật, có một số trường hợp “cậu nhỏ” bị phình to do tích mỡ từ vạt da cấy ghép, khi đó bác sĩ phải hút mỡ để giảm thể tích.

Dù là kĩ thuật vô cùng phức tạp, công phu, đòi hỏi tay nghề cao nhưng chi phí chuyển giới ở Việt Nam rất rẻ, chỉ vài chục triệu, trong khi ở nước ngoài dao động từ 1,2 – 1,5 tỉ đồng.

Thúy Hạnh

Người chuyển giới sinh con như thế nào?

Người chuyển giới sinh con như thế nào?

- Nếu chưa tiêm hormone sinh dục quá lâu, khi dừng một thời gian, người chuyển giới nam sẽ có kinh nguyệt trở lại và có thể mang thai.