Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa ký văn bản hướng dẫn triển khai kế hoạch của UBND TP về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế công lập trên địa bàn, giai đoạn 2022-2030.
Việc luân phiên này nhằm tăng cường nhân lực về số lượng và chất lượng, không ngừng cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Về nguyên tắc, bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y đi luân phiên có thời hạn theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn. Thời hạn luân phiên tối thiểu là 2 tháng, tối đa là 12 tháng, trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn.
Nhân viên y tế có thể được cử đi luân phiên theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới. Mỗi đợt cần bố trí người đến luân phiên làm việc 2 ngày/tuần, 1 tuần/tháng và được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên. Thời gian tối đa của mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày/đợt.
Ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí để các cơ sở thực hiện hoạt động luân phiên này.
Về chế độ cho nhân viên y tế, đơn vị cử đi có trách nhiệm chi trả: 100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương và các quyền lợi như đang công tác tại đơn vị.
Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với nhân viên y tế tại nơi được cử đến công tác. Trường hợp mức phụ cấp của nơi đến thấp hơn tại đơn vị cử đi thì được giữ nguyên mức hiện hưởng.
Trợ cấp đặc thù hàng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)....
Đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm chi trả cho nhân viên đến: Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có); thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có); trợ cấp hàng tháng trong thời gian đi luân phiên tại trạm y tế phường, xã, thị trấn theo quy định.
Sở Y tế TP.HCM khuyến khích và đề nghị các cơ sở tiếp nhận, trích quỹ phúc lợi của đơn vị để hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế được cử đến yên tâm làm việc có hiệu quả.
Nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên sẽ được ưu tiên lựa chọn xét cử đi đào tạo, quy hoạch cán bộ. Nếu được khen thưởng của đơn vị nơi đến, nhân viên y tế sẽ được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn…
Trước đó, ngày 29/3, tại Hội thảo Định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức, ông Tăng Chí Thượng cho rằng cần có chính sách đãi ngộ phù hợp thu hút nhân lực cho tuyến y tế cơ sở.
Trong đó, TP.HCM chỉ có 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, tỷ lệ rất thấp, nên cần chú trọng tăng cường các bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình về trạm y tế. Ông đề xuất nên có quy định bắt buộc các bác sĩ đa khoa phải luân phiên tại y tế cơ sở trong một thời gian.
“Tại sao có quy định bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không bắt buộc bác sĩ phải đi y tế cơ sở? Nếu có quy định này thì y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người”, ông Thượng nói.
Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm cho bác sĩ trẻ mới ra trường về thực hành ở trạm y tế song song với tại bệnh viện. TP hỗ trợ toàn bộ chi phí kinh phí thực hành cho bác sĩ trẻ tham gia chương trình.