Clip toàn bộ phần trò chuyện của bác sĩ Trần Văn Bắc:
Nhà báo Hà Sơn: Anh yêu thích nghề y từ bé hay lớn lên mới quyết định trở thành bác sĩ?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi hay ai còn nhỏ cũng phải qua một thời mũi rãi, ốm đau, thậm chí có những bạn suýt chết đuối chẳng hạn. Bản thân tôi ngày nhỏ từng bị bỏng, điều ấy đọng lại khiến mình nhớ và luôn đi kèm câu hỏi: “Tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia”. Ngày xưa ở quê hay dùng những cách thức dân gian rồi có những thầy thuốc đến nhà chữa và ai cũng rất trân trọng vì họ cứu giúp mình mà.
Còn việc đến với nghề y cũng như mối duyên vì ngày xưa học sinh ở vùng quê Ninh Bình không có nhiều thông tin như ở thành phố nên tôi cứ nghĩ sinh viên bách khoa, xây dựng sẽ mạnh mẽ, mới hay. Các anh lớn tuổi đi học về tôi trông rất ngưỡng mộ, cũng muốn như thế. Nhưng có lẽ tôi ảnh hưởng nhiều từ bố bởi ông nói học ngành y nhân văn, cứu người hơn nữa bố mẹ luôn lo cho cuộc sống con cái nên nghĩ nếu có chiến tranh hay điều gì xảy ra thì con làm nghề này cũng không thất nghiệp.
Bố thậm chí còn biết xem cả tướng số nghĩ tôi phù hợp với nghề y nên tích cực động viên tôi thi trường y. Lúc đi thi tôi không dám nói với bạn bè vì thi khối B cảm giác hơi con gái hay sao nên muốn giấu. Nhưng sau này đa số bạn bè bảo tính cách hay gì đó của tôi phù hợp với nghề nghiệp này.
Nhà báo Hà Sơn: Nhiều phụ nữ thích lấy chồng làm công an hoặc nghề y còn đàn ông đại đa số muốn vợ làm ngân hàng hoặc giáo viên. Có phải với suy nghĩ như vậy nên anh đã lựa chọn một cô làm ngân hàng để yêu, cưới và gắn bó?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi làm nghề y là cái duyên thì việc gia đình cũng vậy thôi. Thậm chí nhiều đồng nghiệp từng trêu tôi: “Đừng lấy vợ ngân hàng vì gửi tiền vào dễ lấy ra thì khó’’. Ngành y của tôi có một số đặc thù phải trực, nhiều công việc phải giải quyết ngoài giờ bởi vậy rất trong gia đình người phụ nữ phải thấu cảm điều đó. Không cứ phải cùng ngành với nhau mới hỗ trợ được nhưng sự tương trợ từ gia đình vô cùng quan trọng. Với tôi đó là điểm tựa, động lực để mình hoàn thành công việc và luôn thấy yên tâm vững tin.
Nhà báo Hà Sơn: Công việc của một bác sĩ phòng cấp cứu hẳn bận rộn và liên tục. Có khi nào sau giờ làm trở về nhà đang ăn cơm hay nghỉ ngơi chẳng hạn nhưng anh lại nhận được “lệnh” phải đến viện và tôi không biết có khi nào anh rơi vào trạng thái phải “giằng xé” cảm xúc khó khăn trước khi cất lời nói với vợ để ra khỏi nhà?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi cũng nghe nhiều câu chuyện của đồng nghiệp và các bậc tiền bối đi trước, đó là những tấm gương tận tâm với nghề để chúng tôi noi theo. Dẫu sao y học bây giờ chúng ta có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện hơn và có lẽ sự phân cấp xã hội trở nên rõ ràng hơn. Ngày xưa tôi nghe các chú các anh nói sẵn sàng từ bỏ những cuộc vui ngay khi có điện thoại liên quan đến bệnh nhân. Ngày nay, chúng tôi cũng thế thôi nhưng chưa làm đủ tốt bằng các bậc tiền bối.
Dẫu vậy, bất cứ ai cũng thế, có những cuộc điện thoại lúc đang ăn thậm chí đang đi chơi với mọi người hoặc nửa đêm thì mức độ đáp ứng ngày nay cũng đa dạng hơn vì chúng tôi có nhiều mối quan hệ hơn trong nghề nghiệp để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ thay thế. Đôi khi bệnh nhân không hiểu kỹ nhưng thực tế có thể sự giúp đỡ của tôi lúc đó chưa đủ tốt bằng một đồng nghiệp chuyên sâu.
Tất nhiên có những lúc chúng tôi cũng phải sẵn sàng vui vẻ đến để hỗ trợ thậm chí là xa xôi, đêm hôm. Nhiều đồng nghiệp hy sinh cả thanh xuân của họ vì nghề nghiệp thì cớ gì không hy sinh một cuộc vui nhỏ hay cố gắng hy sinh bản thân vì biết có người đang cần mình.
Anh nói chính bố đã định hướng gieo thêm tình yêu để gắn bó với nghề y. Vậy quãng thời gian hoạt động vừa qua anh cảm nhận được niềm hạnh phúc của ông khi mình đi đúng hướng và ngày một trưởng thành chưa?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Bố không nói gì nhiều về điều đó nhưng bằng những câu chuyện chia sẻ tôi cảm nhận những niềm vui hằn lên trong suy nghĩ của ông. Bất cứ phụ huynh nào cũng thế, họ luôn muốn con cái mình hạnh phúc, bố mẹ tôi cũng vậy. Chứng kiến sự thành công trưởng thành của con cái bố mẹ nào cũng an lòng và tự hào.
Nhà báo Hà Sơn: Khi nhận nhiệm vụ sang tâm dịch Vũ Hán để đưa người Việt Nam về, anh có thông báo cho bố mẹ biết không và họ phản ứng thế nào?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Thực tế tôi không thông báo chị ạ. Vì bố mẹ tôi hay tất cả mọi người khi nghe tin như thế cách thức cũng không khác biệt lắm. Sau này khi đã trở về sau chuyến đi nghe tôi nói chuyện bố mẹ ở nhà bảo nếu biết sẽ làm thủ tục gì đó về tâm linh để đỡ lo hơn nhưng bản thân tôi không nặng nề những chuyện như thế.
Tôi nghĩ tin tức tôi đi sang Vũ Hán nếu bố mẹ biết sẽ chỉ gây lo lắng, trong khi sự chuẩn bị của tôi về mặt chuyên môn với sự trợ giúp của tất cả mọi người tin tưởng vào những điều tốt nhất. Tôi nghĩ mình sẽ thông báo khi trở về an toàn, sức nặng của tin tức sẽ giảm đi nhiều và điều ấy tốt hơn khi mà bây giờ bố mẹ cũng cao tuổi rồi.
Nhà báo Hà Sơn: Những người làm công việc bận rộn và áp lực như anh rất cần sự chia sẻ từ người phụ nữ của mình. Anh có thấy may mắn khi đã chọn đúng người?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi nghĩ đó là nhân duyên, mà nhân duyên thì hơn cả may mắn vì nó có tính chất sắp đặt, thiên định. Điều tôi thấy an tâm nhất là sự chia sẻ đồng cảm từ gia đình từ phía vợ luôn là nguồn động lực to lớn để mình làm việc và định hướng về nghề nghiệp. Khi nghĩ về vợ tôi luôn thấy rất yên tâm tin tưởng, do đó nói may mắn cũng đúng.
Nhà báo Hà Sơn: Với công việc liên tục khi rảnh chắc là anh chủ yếu trở về nhà và có vẻ sẽ không có nhiều thời gian để thư giãn, để lãng mạn?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Có lẽ chỉ là chuyển trạng thái thôi chị ạ. Thời sinh viên cũng khác, cảm xúc từng giai đoạn nó cũng khác. Niềm vui cuộc sống cần thiết với tất cả mọi người, nhất là để cân bằng lại với áp lực công việc, mỗi cá nhân phải luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của mình. Gia đình cũng là động lực to lớn, nhưng mỗi cá nhân nếu như không có sự mở rộng với xã hội sẽ không phát triển được.
Nhà báo Hà Sơn: Người làm nghề y thường cẩn thận trong việc chăm sóc sức khoẻ. Anh thì sao?Anh chơi môn thể thao gì?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi biết có rất nhiều đồng nghiệp quan tâm sâu sắc đến việc đó nhưng cũng có nhiều đồng nghiệp trong đó có tôi nhiều khi bị mải mê trong công việc không nhớ mình đã ăn hay chưa vì quá bữa, quá cơn đói. Như vậy là hại sức khỏe và chúng tôi cố gắng cân bằng lại. Ví dụ đến giai đoạn nghỉ ngơi mình phải phục hồi lại sức khỏe một cách tốt nhất. Tôi làm cấp cứu luôn phải giữ sức khỏe tốt nhất, một ca trực đêm để hồi phục nhanh chóng trở lại ngay với công việc là điều cực kỳ quan trọng nhất là vào việc vẫn phải tập trung cao nhất và với sức lực tốt nhất.
Quan điểm của tôi không phải cứ ăn nhiều tập nhiều là khỏe, chúng ta cần phải có sức khỏe về mặt tinh thần như tôi nói các mối quan hệ xã hội, bạn bè thân thiết sẽ bù đắp lại vì có những lúc thất vọng về nghề nghiệp, có những lúc công việc không được như ý mình mong muốn, kết quả điều trị nó không được như kỳ vọng, sự tiếc nuối là luôn luôn có. Chính vì vậy mà cuộc sống nó cần phải cân bằng lại về mặt tình cảm, nhận thức. Không có nghĩa cơ bắp to là có thể làm được nghề nghiệp tốt. Bản thân tôi cũng ý thức điều đó nhưng không chọn một môn thể thao tập thể được, những môn đó đòi hỏi nhiều thời gian vì thời gian của mình không cố định, lịch trực các thứ nên tôi lựa chọn những môn thể dục nhẹ nhàng để mình có thể đảm bảo khối lượng vừa phải theo tuổi tác cũng có thể giảm đi.
Nhà báo Hà Sơn: Ngoài công việc anh có đam mê gì? Ví dụ như rất thích bóng đá, anh thì sao?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Từ nhỏ tôi sáng đá bóng, tối đá bóng, trăng lên vẫn đá bóng hay thậm chí nói dối bố mẹ trốn đi đá bóng, dù vẫn học hành nhưng chưa bao giờ thôi tình yêu với bóng đá cả. Khi đi làm không có nhiều thời gian để đi đá và bây giờ thể lực suy giảm, không thể tham gia được nhiều nữa. Tôi làm ở khoa cấp cứu cũng phải vận động nhiều nên các môn thể thao để chơi tôi cũng giảm bớt xuống.
Những lĩnh vực khác như âm nhạc hay hội họa đều phải tìm hiểu một tí tùy vốn sống quan tâm của mỗi người. Tôi không dùng âm nhạc để xóa đi những mỗi lo toan, âm nhạc giúp cho tình cảm tốt hơn, vì thế tôi thích nghe nhạc khi yên tĩnh bởi nó có cảm xúc tốt. Kể về lựa chọn âm nhạc cũng thay đổi, ngày trẻ mình thích âm nhạc mạnh phù hợp với cảm xúc thừa năng lượng của tuổi trẻ như nhạc rock Beatles, rất mê. Còn bây giờ tôi hay nghe nhạc Văn Cao.
Nhà báo Hà Sơn: Tiếp xúc tôi thấy anh là người có vẻ trầm tính, cẩn thận, một người sống về nội tâm nhiều hơn, còn anh, tự nhận xét về bản thân thì sẽ nói gì?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Tôi nghĩ cuộc sống là quá trình học hỏi trao đổi và phát triển. Nếu ai nói có năng lực về nội tâm thì hãy phát triển nó ngoài ra các mảng xã hội khác nữa để bản thân mình cân bằng hơn, đa dạng hơn.
Nhân dịp 27/2 anh có chia sẻ gì với các đồng nghiệp?
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc: Nhân ngày 27/2 tôi gửi những lời ngưỡng mộ trân trọng nhất đến những người đồng nghiệp của tôi, những người đóng góp những công trình, miệt mài ngày đêm nghiên cứu những công trình khoa học, những người hy sinh tuổi thanh xuân, thời gian sức lực để chăm lo cho từng bệnh nhân. Nhất là trong bối cảnh dịch corona các bác sĩ hy sinh rất nhiều để kiểm soát dịch bệnh. Chúc cho các đồng nghiệp sẽ luôn có sức khỏe, hăng say với nghề nghiệp và sẽ đóng góp hơn nữa cho nghành y, xây dựng ngành y vững mạnh và hội nhập hơn nữa với thế giới.
Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Huy Phúc
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Quốc Dũng
Câu chuyện đặc biệt từ bác sĩ trên 'chuyến bay Vũ Hán'
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới lần đầu tiên tiết lộ những câu chuyện đặc biệt xung quanh chuyến bay sang Vũ Hán đón người Việt Nam trở về do dịch Covid-19.