Biết chuyện hàng trăm học sinh của 2 trường tiểu học ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) không có nhà vệ sinh, một bác sĩ ở TP.HCM đã lấy tiền lương xây 2 nhà vệ sinh cho trẻ.

Người có hành động nhân văn ấy là bác sĩ Trương Hữu Khanh (54 tuổi) - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

{keywords}

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (phải) và ông Chu Đức Hùng (trái) bên cạnh nhà vệ sinh mới xây cho học sinh tiểu học ở Lâm Đồng.

Với 27 năm khám, chữa trị, tư vấn cho hàng nghìn trẻ em, bác sĩ Khanh còn được nhiều người biết đến với cái tên trìu mến “Ông bác sĩ yêu trẻ con”.

Bác sĩ Khanh nói rằng biết chuyện các trường tiểu học ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thiếu nhà vệ sinh qua thông tin báo chí đăng tải.

“Khi đi chống dịch, mình thường kiểm tra nhà vệ sinh các trường học bởi từ đây bệnh dịch có thể lây lan mà ít ai chú ý. Thiếu nhà vệ sinh đối với các trẻ là điều rất tai hại, nhiều trẻ muốn đi vệ sinh nhưng không có nơi thường “nín”, ảnh hưởng tới sức khỏe” – bác sĩ 54 tuổi chia sẻ.

“Ông bác sĩ yêu trẻ con” quyết định sẽ làm ở 3 trường gồm Trường tiểu học Lộc Ngãi D, trường Lộc Đức B và trường Lộc Giang cùng huyện Bảo Lâm.

{keywords}

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, người bỏ tiền túi xây nhà vệ sinh cho học sinh vùng cao.

Để có kinh phí xây dựng, bác sĩ Khánh quyết định lấy tiền lương ra đầu tư. Khi biết chồng có ý định này, người vợ của vị bác sĩ 54 tuổi cũng rất ủng hộ.

Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu, khó khăn đã tới với bác sĩ Trần Hữu Khanh đó là việc tìm được nhà thầu thi công. “Ban đầu có nhiều nhà thầu nhận lời tới tìm hiểu điều kiện nơi sẽ xây dựng nhưng khi xem xong, tất cả đều tháo chạy vì không có lợi nhuận” – bác sĩ Khanh kể.

Tới cuối năm 2015, thông qua người quen, bác sĩ Khanh vô tình biết được một chủ thầu xây dựng người Lâm Đồng tên Chu Đức Hùng (47 tuổi). Qua trao đổi điện thoại, ông Hùng nhận lời giúp đỡ.

“Khi tới khảo sát ở các trường, mình thực sự cũng muốn bỏ, bởi đó rất xa xôi, hiểm trở khó vận chuyển vật liệu, “dự án” lại chẳng ăn thua” – ông Hùng nói và cho biết, sau đó thấy bác sĩ Khanh quá tâm huyết và học sinh ở các trường khó khăn nên đã đồng ý.

Qua 7 tháng để khảo sát, nghiên cứu địa hình và thiết kế đã được bác sĩ Khanh “duyệt dự án”, khi học sinh các trường nghỉ hè, ông Hùng bắt tay vào xây dựng.

Cách đây chừng 2 tuần, hai công trình nhà vệ sinh kiên cố, sạch sẽ và hiện đại trị giá gần 60 triệu/công trình đã được khánh thành, bàn giao cho Trường tiểu học Lộc Ngãi D và Lộc Đức B trong niềm vui của các thầy cô giáo.

{keywords}

Fanpage do bác sĩ Khanh lập ra để tư vấn các bệnh về trẻ em.

Đối với trường tiểu học Lộc Giang nằm trên ngọn đồi cao, có nhà vệ sinh nhưng không nước để sử dụng, bác sĩ Khanh trích ra gần 50 triệu để đào giếng hút nước từ độ sâu 90m giúp “tái hoạt động” nhà vệ sinh này.

"Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình, không tính toán của ông Hùng thì chắc tôi cũng không làm gì được. Tôi may mắn được biết người tâm huyết như ông ấy" – bác sĩ Khanh nói thêm.

Cũng theo vị trưởng khoa nhiễm, thời gian tới đây, nếu có cơ hội sẽ tiếp tục việc làm ý nghĩa này. Một số bác sĩ và mạnh thường quân khi biết việc làm của ông cũng đã liên hệ đóng góp kinh phí giúp đỡ nhưng ông chưa nhận lời.

“Việc của mình làm cũng bình thường lắm, so với nhiều người mình chưa là gì cả. Nó chỉ xuất phát từ tình thương với các trẻ mà thôi” – bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Lập Fanpage tư vấn các bệnh cho trẻ

Cách đây khoảng 1 năm, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã lập ra fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” để tư vấn, giải đáp thắc mắc của các ông bố bà mẹ về các bệnh của trẻ em thường gặp.

Cứ cách vài ngày, bác sĩ Khanh lại đưa ra một câu hỏi về bệnh của trẻ rồi giải thích rõ ràng. Hiện fanpage đã có hơn 130.000 lượt like. Và mỗi lần bác sĩ Khanh tư vấn về một bệnh nào đó đều nhận được hàng chục câu hỏi, hàng trăm lượt share của các bậc phụ huynh.

Bác sĩ Khanh cho biết, trong giờ hành chính có quá nhiều bệnh nhân, thời gian trò chuyện với họ ít nên ông đã nghĩ ra cách lập fanpage này để giúp đỡ mọi người.

Cũng theo Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, cũng từ fanpage này, đã nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của người nhà bệnh nhân về thái độ, cung cách làm việc của các y bác sĩ trong khoa và cả của BV.

Từ những thông tin này, nếu có như phản ánh, ông sẽ chấn chỉnh ngay. “Tôi luôn mong muốn các bệnh nhi, người nhà khi tới BV, tới khoa khám được thoải mái nhất” – bác sĩ 54 tuổi cười nói.

Văn Đức