Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Căn bệnh này từng được ví là "kẻ treo cổ", gây ra nỗi ám ảnh chết chóc kinh hoàng cho toàn châu Âu thế kỷ 17.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu.
Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Bệnh có 4 thể lâm sàng: bạch hầu họng thể thông thường (70%), bạch hầu ác tính, bạch hầu thanh quản (26%) và bạch hầu mũi (4%).
Bạch hầu mũi: Thường bắt đầu bằng chảy nước mũi nhẹ một hoặc hai bên, kéo dài mấy ngày liền, có khi nước mũi lẫn máu làm loét môi và có mùi hôi. Triệu chứng toàn thân có thể nhẹ nhưng vẫn có thể hình thành một màng ở vách mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn bú.
Bạch hầu họng: Trẻ đột ngột đau họng, nhức đầu và khó chịu, đồng thời mạch quá nhanh so với tình trạng sốt nhẹ. Khám họng có thể dễ dàng nhìn thấy màng giả màu trắng xám ở họng. Nếu bóc lớp màng này sẽ gây chảy máu (đó chính là một đặc điểm của màng giả bạch hầu).
Bạch hầu thanh quản: Thường do bạch hầu họng lan xuống, bệnh gặp ở trẻ còn bú. Triệu chứng bắt đầu là tiếng ho khàn, rồi thở rít, co kéo hõm ức, vẻ mặt sợ hãi. Dấu hiệu khó thở ngày càng tăng, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Cách phòng chống:
Nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh vẫn có thể mắc bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Thái An (tổng hợp)