Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới đó là kết quả của sự khảo nghiệm thực tiễn và đổi mới tư duy lý luận; là bước phát triển có ý nghĩa cách mạng trong nhận thức và hành động của Đảng với những chủ trương, đường lối mang tính đột phá.
Những chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực. |
Để đẩy nhanh quá trình đổi mới, khắc phục khó khăn, nhiệm vụ cấp bách cần được giải quyết ngay sau Đại hội VI của Đảng là tháo gỡ những ách tắc trong phân phối, lưu thông. Trên cơ sở những định hướng lớn của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hội nghị Trung ương 2 (tháng 4/1987) bàn về phân phối lưu thông, Hội nghị Trung ương 3 (tháng 8/1987) bàn về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 3 đã đề ra chủ trương, biện pháp chuyển hoạt động của các xí nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, thực hiện chế độ tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.
Những chủ trương nêu trên đã đặt nền móng cho sự ra đời của cơ chế quản lý mới. Dưới tác động của những chủ trương mới, các ngành kinh tế đều có những bước đổi mới quan trọng về cơ chế quản lý. Trong công nghiệp, việc chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa để thực hiện mục tiêu “bốn giảm” đã được triển khai sâu rộng, đặc biệt là từ sau khi có Quyết định 217/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Trong nông nghiệp, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý hợp tác xã. Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3/1989) chín muồi quan điểm thị trường vừa là đối tượng, vừa là căn cứ của kế hoạch hoá. Từ tư tưởng đột phá đó, Nhà nước quyết định chuyển lương thực sang kinh doanh, xoá bỏ chế độ bao cấp, phân phối lương thực. Đây là mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng của nền kinh tế nước ta. Một thị trường thông suốt trong toàn quốc đã được xác lập, tạo cơ sở quan trọng cho việc định hình cơ chế quản lý mới phù hợp - cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (tháng 9/1979) đến Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3/1989) là quá trình tìm tòi những định hướng lớn, đặt nền móng cho việc xác lập cơ chế quản lý mới thay thế cho cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp. Tính đến năm 1989, cơ chế cũ đã bị phá bỏ một cách cơ bản, thay vào đó là sự xác lập từng bước các yếu tố của cơ chế mới - cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nước ta. Những chủ trương, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ 1979 đến trước Đại hội VII (năm 1991) đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tổng kết và theo sát yêu cầu của thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) của Đảng chủ trương: Tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Đại hội xác định rõ cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. Trong cơ chế đó, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện. Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Những chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhịp độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm thời kỳ 1991-1995 đạt 8,2%. Tình trạng lạm phát bị đẩy lùi từ 774,7% năm 1986 xuống còn 67,1% năm 1991, 12,7% năm 1995. Đầu tư toàn xã hội bằng nguồn vốn trong nước và ngoài nước so với GDP năm 1990 là 15,8%, năm 1995 là 27,4%2. Trên cơ sở những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996) đánh giá: Đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài 15 năm qua, mặc dù một số mặt còn chưa vững chắc. Như vậy, từ năm 1986 đến năm 1996, quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng diễn ra từng bước theo hướng vừa làm thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung, từng bộ phận của cơ chế cũ bị xóa bỏ, từng bước hình thành cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy mới là những kết quả bước đầu, nhưng việc chuyển đổi cơ chế đã góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, đưa đất nước thoát hỏi hủng hoảng, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế giai đoạn sau này.
Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là những bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo. Chính đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành công như hôm nay.
“Đây là mốc lớn đánh dấu việc chính thức đổi mới của Đảng ta. Tôi nói chính thức bởi vì trước đó đã có những bước đổi mới từng phần, tổng kết từ trước đó cho đến Đại hội 6 vào tháng 12 năm 1986 Đảng có báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội chính thức để ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Mốc Đại hội 6 cực kỳ quan trọng, nhìn thẳng vào sự thật nói rõ sự thật, nói đúng sự thật và nhấn xoáy vào điểm là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy khó lắm, tức là đổi mới cái đầu của mình. Tư duy ở đây trước hết là tư duy về kinh tế. Đảng ta đang đi đúng trọng tâm của nó”, GSTS Mạch Quang Thắng chia sẻ.
Đổi mới ở nước ta xuất phát từ sự năng động của nhân dân, mà bắt đầu là từ thực tế của gần 100 cuộc “phá rào” kinh tế trước đó. Tiêu biểu như chính sách khoán của Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho nông dân làm chủ trên đồng ruộng của mình; là mô hình phân phối thu mua ở Long An theo giá thoả thuận, hay sự bung ra của thành phố Hồ Chí Minh với việc thương nhân đứng ra thu gom những mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với nước ngoài…
Thu Hà