Cùng với những chủ trương đổi mới có tính chất bứt phá về kinh tế - xã hội của Đại hội VI của Đảng, nhiều chủ trương đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng cũng ra đời, đáp ứng kịp thời với những thay đổi của tình hình, của những bước phát triển mới của nền kinh tế - xã hội và ngoại giao.

{keywords}
Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị tàu có tốc độ cao.

Định hướng cho sự phát triển của đất nước khi chuyển sang đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định rõ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Chủ trương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân được xác định một cách cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng đất nước: chúng ta phải thấu suốt quan điểm “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của hệ thống chuyên chính vô sản trong việc đẩy mạnh xây dựng hậu phương toàn diện được coi là nhiệm vụ có tính chiến lược trong thời kỳ mới.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội VI và Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự và quốc phòng trong những năm từ 1986 đến 1990 đã có những đổi mới quan trọng. Thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, công tác quốc phòng đã có nhiều điều chỉnh chiến lược lớn, thực hiện bố trí lại lực lượng trên phạm vi toàn quốc, tạo ra thế trận phòng thủ hợp lý, tăng cường khả năng phòng thủ ở những khu vực trọng điểm, từng bước xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) xác định những định hướng lớn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chuẩn bị và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điểm mới của Đại hội VII là trong khi quan tâm đến việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên bình diện rộng, trên toàn bộ lãnh thổ, để chủ động bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống, Đảng ta còn nhấn mạnh tới việc xây dựng các khu phòng thủ ở các địa phương: “Đẩy mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong thế trận quốc phòng toàn dân, có khả năng ngăn chặn, đập tan các âm mưu và hành động phản cách mạng tại địa phương và tích cực chiến đấu bảo vệ địa phương trong mọi tình huống”5.

Trong tình hình mới, Đảng ta nhấn mạnh tới nhiệm vụ tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và lực lượng quốc phòng, đảm bảo quân đội luôn là lực lượng trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, chủ động trong mọi tình huống để giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước. Lĩnh vực quốc phòng an ninh đã đạt được thành tựu to lớn, giữ vững được ổn định chính trị, độc lập chủ quyền và môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho công cuộc đổi mới toàn diện, góp phần đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chiến lược quốc phòng và an ninh tiếp tục được điều chỉnh. Các nhu cầu củng cố quốc phòng, đời sống lực lượng vũ trang từng bước được cải thiện. Thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố, chất lượng và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng cao.

Mười năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1996), con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được xác định ngày càng rõ hơn chứng tỏ đường lối đổi mới là đúng đắn, có tính độc lập, tự chủ, sáng tạo. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới với những hình thức và bước đi phù hợp, lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới ngày một tăng thêm; vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản, của dân tộc Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Thu Hà