Cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa.
Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh, là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ, như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược.
Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Ảnh: Một góc cố đô Hoa Lư. |
Từ năm 1986, trong đường lối của mình, Đảng thể hiện rõ sự đổi mới tư duy trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Văn kiện Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh vị trí của văn hóa nghệ thuật: “Không có hình thức tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tính cách lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”.
Ngày 28/11/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 05 Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Tháng 6/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về công tác văn hóa, văn nghệ. Ngày 8/6/1989, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 52-CT/TW về việc đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học nghệ thuật. Ngày 21/6/1990, Ban Bí thư ra Chỉ thị 61-CT/TW về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học - nghệ thuật hiện nay. Ngày 25/7/1990, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 63-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản. Sự đổi mới tư duy về vai trò, vị trí của văn hóa đã được thể chế trong các văn bản của Nhà nước. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thể chế sự đổi mới tư duy về vai trò, vị trí của văn hóa.
Thực hiện chủ trương của Đảng trong đổi mới văn hóa, những tư tưởng thụ động, ỷ lại của thời bao cấp được khắc phục, thay thế bằng sự năng động, sáng tạo, chủ động vươn lên của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân. Trong những năm đổi mới, trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, mạng lưới trường học phát triển rộng khắp, hầu hết các xã trong cả nước kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã có trường, lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở.
Hầu hết các huyện có trường phổ thông trung học. Việc chống mù chữ và tái mù chữ đạt hiệu quả; chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học được triển khai mạnh mẽ trong cả nước. “Có 16 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 tỉnh miền núi, 57% số huyện, 76% số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học”. So với năm học 1991-1992, trong năm học 1995-1996, số học sinh tăng 1,25 lần, sinh viên đại học tăng 2,7 lần”3. Sinh viên đại học và cao đẳng tăng 21%. Đào tạo sau đại học và trên đại học được chú trọng. Chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh khá giỏi, số học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế ngày càng tăng.
Trong giáo dục - đào tạo đã xuất hiện một số nhân tố mới. Thấm nhuần tư tưởng “ai ai cũng được học và học suốt đời”, ở nhiều nơi đã hình thành phong trào học tập sôi nổi của cán bộ và nhân dân, nhất là thanh niên. Các loại hình trường lớp từ phổ thông đến đại học đa dạng và phong phú: quốc lập, dân lập, tại chức, mở rộng, giáo dục từ xa… đã tạo cơ hội học tập cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đạt được kết quả đó là do đường lối giáo dục - đào tạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước; truyền thống hiếu học của nhân dân. Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện cho mọi người dân đều được học tập. Tất cả những việc làm và kết quả trong giáo dục đào tạo ở trên đều hướng tới thực hiện mục tiêu chiến lược con người.
Trong những năm đầu đổi mới, những thành tựu về văn hóa đã thực sự góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo; vừa tạo ra động lực chính trị, tinh thần của toàn xã hội, vừa khôi phục lại đạo đức, lối sống của người Việt Nam, vừa tăng cường củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chủ nghĩa xã hội.
Khi ban hành Nghị quyết số 33 năm 2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, T.Ư đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chính vì vậy, khi đánh giá, Bộ Chính trị đã đưa ra những kết luận hết sức quan trọng, theo đó việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Thu Hà