XUÂN MỚI, NHÂN THÊM NIỀM TIN VÀ KHÁT VỌNG THỊNH VƯỢNG, QUYẾT TÂM XÂY DỰNG THANH HOÁ TRỞ THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI Ở PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC
Tiến sĩ Đỗ Trọng Hưng,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
Xuân Tân Sửu - 2021 là mùa xuân rất đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh ta. Không chỉ là thời điểm đất trời giao hòa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; mùa xuân năm nay còn là dấu mốc bắt đầu một thập kỷ mới, mở đầu cho thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với nhiệm vụ rất to lớn là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Vui mừng hơn nữa, phấn khởi hơn nữa, khi đón mùa xuân tươi thắm, cũng là lúc mừng Đảng ta bước sang 91 mùa xuân vinh quang, với 13 kỳ Đại hội thành công rực rỡ.
Trong tràn ngập sắc xuân, lồng lộng sắc cờ đỏ của Đảng, cùng nhìn lại năm 2020, chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, vững vàng và duy trì đà tăng trưởng liên tục từ nhiều năm trước, để kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020 với rất nhiều thành công và thắng lợi. Từ trong gian khó, càng rạng ngời bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất vượt khó vươn lên của người xứ Thanh. Chính điều đó đã bồi đắp và làm cao dầy hơn thành tích, để tiếp tục khẳng định: Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày nay.
Năm 2020, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, việc làm và sinh hoạt của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; tỉnh ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội”; đã kiểm soát và khống chế thành công dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của Nhân dân, được Trung ương xếp vào nhóm các tỉnh có “nguy cơ thấp” về dịch bệnh COVID-19.
Trong muôn vàn gian khó, kinh tế tỉnh ta vẫn duy trì đà tăng trưởng; có 21/27 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng khá so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,08%, là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước (GDP tăng 2,91%). Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có bước phát triển ổn định và khá toàn diện; giá trị sản xuất tăng 3,2% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 08 đơn vị cấp huyện, 397 xã, 967 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã. Sản xuất công nghiệp mặc dù mới đạt 93,6% kế hoạch, song cũng đã đạt mức tăng 12,3% so với cùng kỳ; các nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thép Nghi Sơn, các nhà máy sản xuất xi măng,… tiếp tục duy trì sản xuất ổn định. Dịch vụ, thương mại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhất là hoạt động du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu, vận tải; song với những cách làm sáng tạo, chúng ta đã từng bước khắc phục, đạt được một số kết quả khả quan.
Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, với 34 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 12,5 tỷ USD được ký Biên bản ghi nhớ. Hoạt động đầu tư công được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đạt được kết quả tích cực. Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Cùng với khởi công xây dựng một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng; nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo ra diện mạo mới cho tỉnh. Vì vậy, thu ngân sách nhà nước đạt 30.744 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 20.144 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 10.600 tỷ đồng; đạt 109,3% dự toán Bộ Tài chính giao và 106,1% dự toán Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đột xuất khác, nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn, chúng ta đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Sau Đại hội, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết Đại hội.
Năm 2020 đã đi qua, nhưng vẫn còn đó dư âm tốt đẹp bởi đầy ắp các sự kiện nổi bật về chính trị, kinh tế, văn hóa. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, đó là: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (03-02-1930 / 03-02-2020), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2020) và 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29-7-1930 / 29-7-2020),… Mỗi người dân quê hương Thanh Hóa anh hùng rất đỗi tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh qua 90 năm xây dựng và trưởng thành; tự hào về lịch sử 55 năm trước với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân tỉnh nhà trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược đã làm nên sự kiện Hàm Rồng chiến thắng; tự hào về tình cảm keo sơn, gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam trong 60 năm kết nghĩa anh em… Đó là nguồn cội sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn để mỗi người dân Thanh Hóa nguyện chung sức, đồng lòng, toàn tâm, toàn ý, quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, kiểu mẫu.
Những kết quả nêu trên, cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã tạo điều kiện mới để tỉnh ta phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đón chào năm mới trong bối cảnh tỉnh ta đang có nhiều thời cơ, vận hội và khí thế mới sau thành công tốt đẹp của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan tỏa khắp mọi miền trong tỉnh; “ý Đảng, lòng dân” đang hòa quyện.
Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của năm 2021 - năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 đã đề ra 27 chỉ tiêu chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực; tập trung vào thực hiện thắng lợi 05 vấn đề lớn, đó là: (1) Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân để thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. (2) Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát và lây lan thứ phát ra cộng đồng. Trên cơ sở đó, tiếp tục khôi phục và phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên. (3) Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách để thể chế hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. (4) Đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo chuyển biến rõ nét về cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để khởi công, triển khai thực hiện các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư vàotỉnh. (5) Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu to lớn ấy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể trong tỉnh phải tổ chức thực hiện thật tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 01-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 330/NQ-HĐND, ngày 06-12-2020 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra; trọng tâm là các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế để đưa nhanh Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống. Muốn vậy, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị công phu, bài bản, có chất lượng để nhanh chóng ban hành và triển khai thực hiện 06 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025; các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch phân khu chức năng chính trong KKT Nghi Sơn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị…; các chương trình, kế hoạch, đề án; các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW; sớm hoàn thành việc xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với tinh thần cách mạng tiến công và quyết tâm cao, tạo sự bứt phá trên tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ năm 2021, từ đó tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Để làm tốt việc này, cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch, cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo tương ứng với diễn biến của dịch bệnh, để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra.
Trước hết, đối với sản xuất nông nghiệp, phải ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-01-2019 của Tỉnh ủy, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có thị trường tiêu thụ tốt để tập trung phát triển. Cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, có giá trị và hiệu quả cao. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tập trung thâm canh, tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao, như: luồng, vàu, kết hợp phát triển rừng gỗ lớn gắn với chế biến; giảm dần diện tích các cây lâm nghiệp hiệu quả thấp; xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ về “trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới”. Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với tổ chức lại sản xuất. Tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu năm 2021 có thêm 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh…
Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường đầu ra của sản phẩm, nguồn lao động... Thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các cơ sở sản xuất công nghiệp phát huy tối đa công suất. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp, như: Nhiệt điện Nghi Sơn II, Thép Nghi Sơn (dây chuyền 2), Thủy điện Hồi Xuân, Nhà máy xi măng Long Sơn (dây chuyền 4),… Chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực. Thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
Trong lĩnh vực dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các đối tác mới, ngành hàng mới. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch. Phát triển đa dạng các loại hình vận tải; xúc tiến mở thêm các đường bay đi đến Cảng hàng không Thọ Xuân; khai thác thế mạnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn. Thúc đẩy chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Rà soát, khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, nhất là các dự án quy mô lớn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án triển khai chậm tiến độ do phải chờ mặt bằng.
Triển khai hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách và chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách cả năm để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên; làm tốt công tác bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Thứ ba, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, đưa thành tích thi học sinh giỏi Quốc gia và Olympic quốc tế của học sinh tỉnh ta trở lại vị trí nhóm dẫn đầu cả nước. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất ở nông thôn, miền núi; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho các khu công nghiệp và các trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết số 04, số 05 ngày 18-8-2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường...
Thứ tư, tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh. Tăng cường bảo đảm an ninh biên giới phía Tây Thanh Hóa, trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các đô thị và địa bàn trọng điểm; thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, tư pháp; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…
Thứ năm, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Bình minh của mùa xuân mới đã về trên khắp mọi nẻo đường của quê hương, đất nước, mang theo biết bao tin yêu, ước vọng về một năm mới hạnh phúc, an lành, với nhiều thành tựu mới. Dẫu còn đó không ít những khó khăn, trở ngại, song chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta sẽ đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Tổ quốc, sớm thực hiện thành công "khát vọng thịnh vượng" và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Nhân dịp năm mới 2021 và đón Tết cổ truyền của dân tộc – Tết Tân Sửu, xin gửi tới đồng chí, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong tỉnh; đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở nước ngoài, tỉnh ngoài; người tỉnh ngoài, nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hoá lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Năm mới giành nhiều thắng lợi mới!