Từ cuối tháng 7 đến nay, cá voi liên tục xuất hiện gần cửa biển Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) và khu vực Vũng Bồi, Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Sự xuất hiện của loài cá đặc biệt này đã thu hút du khách thập phương, giới nhiếp ảnh và nhiều chuyên gia khoa học.

Travel Blogger, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) đã có hành trình 4 ngày lênh đênh trên biển để chờ đợi khoảnh khắc cá voi xuất hiện. "Khoảnh khắc diện kiến cá Ông trên biển Đề Gi, mọi giác quan của tôi như tê liệt, chỉ còn ngón tay vẫn mải miết bấm máy. Ba tiếng lênh đênh theo cá Ông săn mồi là khoảnh khắc tuyệt đẹp, tôi sẽ không thể nào quên”, blogger Hải An chia sẻ.

Cá voi tiến gần về chiếc thuyền của anh Hải An (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
Khoảnh khắc cá voi há miệng lớn, đớp mồi (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Bốn ngày “bám biển” để chiêm ngưỡng cá voi

Ngày đầu tiên, do không liên lạc được với hướng dẫn tour, anh Hải An không thể ra biển theo lịch trình dự kiến. Khi thấy trời sắp sang chiều, gần tới gờ cá voi ngoi lên săn mồi, anh nhờ khắp nơi để có thể theo tàu ngư dân ra khơi. Thế nhưng khi ra tới nơi, sóng cao hơn 1m, chiếc cano chòng chành vật lộn với giữa biển. Sóng lớn còn đánh tràn vào khoang tàu, hết đợt này qua đợt khác. “Tôi vừa ngồi trên tàu vừa cầu nguyện. Mất khá lâu cano mới ra tới điểm cá Ông thường xuất hiện nhưng chờ mãi, cá không ngoi lên. Tôi đành lủi thủi ôm máy ảnh trở về”, anh An kể.

Sáng hôm sau, anh lại tiếp tục ra khơi từ 4h sáng, mong chờ bắt gặp khoảnh khắc cá voi săn mồi sớm bình minh. Vậy nhưng, chờ đợi tới 7h sáng, sát giờ phải quay về sân bay, trở lại Sài Gòn cho kịp công việc, anh An vẫn chưa thấy “tung tích” cá voi. "Vừa tới sân bay thì nghe tin cá Ông ngoi lên săn mồi. Lúc ấy tôi cực kì tiếc nuối, có phần uất ức”, anh An thành thật giãi bày. Chiều cùng ngày, khi xong công việc tại Sài Gòn, anh An lập tức trở lại sân bay Phù Cát, bắt chuyến xe muộn đến Đề Gi.

Hành trình "săn hình" cá voi không hề dễ dàng (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Ngày thứ 3, anh An lên thuyền từ 4 giờ sáng, bắt đầu một ngày phơi nắng cháy da. Blogger này kiên nhẫn ngồi chờ suốt 12 tiếng. Đến 17h30, khi đã nản lòng, định quay thuyền trở về thì cá voi xuất hiện. Anh An vội vã điều khiển chiếc flycam để tìm kiếm, "săn hình" cá voi. "Bay một hồi thì tôi không còn biết vị trí flycam ở đâu, càng lúc càng xa thuyền. Pin cạn dần, tôi lo lắng. Thật may với sự hỗ trợ của người bạn, tôi cũng kịp đưa flycam trở về", anh An cho biết. 

Sau khi bắt gặp cá voi, anh An trở về Đề Gi nhưng đã muộn giờ bay về Phú Quốc. Blogger này quyết định ở lại thêm một ngày nữa để săn trọn vẹn hình ảnh đẹp về cá voi.

Anh An đợi từ bình minh tới khi hoàng hôn mới có thể diện kiến cá voi (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Sáng ngày thứ 4, anh An lại ra khơi từ tờ mờ sáng. Nhưng lần này, may mắn đến. Ngay khi thuyền ra tới thì đã bắt gặp cá voi đang săn mồi. Con cá voi bơi vòng vòng rồi liên tục lao lên mặt nước đớp mồi. "Đàn cá rất lớn nên cá Ông thỏa thích đuổi theo đớp mồi, thưởng thức bữa sáng thịnh soạn", anh An chia sẻ.

Ca voi mẹ ngoi lên đớp mồi (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
Bức ảnh được đặt tên "Ánh mắt đại dương" - một trong những khoảnh khắc anh An yêu thích nhất và cũng khó chụp nhất. Đôi mắt cá voi rất nhỏ nên việc bắt được ánh mắt - linh hồn của bức ảnh không dễ (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
Khi cá voi táp mồi các lớp nang trong miệng giúp đẩy nước ra ngoài nhưng con mồi thì ở lại (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
Theo suy đoán của anh An, đây là lúc cá voi mẹ đang dạy cá con săn mồi (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Trong suốt 3 tiếng, anh An sử dụng flycam rồi có lúc lại leo lên cột tàu cheo leo để chụp ảnh cá voi. "Thật tuyệt khi cá Ông vô cùng "hợp tác", ra sức diễn cho chúng tôi chụp ảnh. Có lúc cá voi bơi sát tàu, cách chỉ khoảng 1m", anh nhớ lại. "Ngồi trên cột tàu cheo leo tôi cũng hơi e sợ nhưng bù lại tôi có thể nhìn toàn cảnh, dễ dàng phát hiện vị trí cá voi", blogger này nói thêm.

Anh An ngồi trên cột tàu cheo leo để ngắm nhìn và chụp ảnh cá voi (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
"Thuyền chòng chành nên khi ngồi trên cột, nhiều lúc tôi thót tim. Nhưng đây là vị trí thuận lợi để quan sát", anh An chia sẻ (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Kinh nghiệm diện kiến cá voi ở Đề Gi

Theo kinh nghiệm của blogger Ngô Trần Hải An, tại biển Đề Gi hiện tại có một cặp mẹ con cá voi mưu sinh hàng ngày. Cá voi thường lên săn mồi lúc 5h30 sáng hoặc 4 giờ chiều. Tùy theo luồng cá mà chúng xuất hiện lâu hay mau. "Theo người dân, chúng thường lên săn mồi khoảng 1 giờ nhưng cũng có ngày lặn mất tăm, có ngày thì lên ăn 3 tiếng. Việc này rất khó biết trước nên đi "săn hình" cá voi cũng may rủi", anh An cho biết.

Cá voi ngoi lên như một chiếc siêu tàu ngầm (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Theo anh An, việc chọn người dẫn đường rất quan trọng. Họ phải là người địa phương giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và có khả năng quan sát để "chỉ điểm" cho du khách.  Hiện, giá thuê tàu thuyền ra biển khoảng 1,5 triệu đồng, tùy thời gian.

Thông thường, chim biển tụ tập đông, bay quần thảo ở đâu thì cá voi sẽ ngoi lên ở chỗ đó.

(Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Du khách nên chuẩn bị kĩ kem chống nắng, quần áo dày. Buổi chiều, sóng khá lớn nên có thể mang theo thuốc chống say sóng.

"Điều quan trọng, chúng ta không nên lao thuyền vào gần cá voi. Thuyền nên đậu xa để giảm tiếng ồn khiến cá voi hoảng hoặc đâm trúng", anh An nhắn nhủ.

Hình ảnh toàn thân của cá voi mẹ (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
(Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
(Ảnh: Quỷ Cốc Tử)
Vùng biển Vĩnh Lợi (Bình Định) (Ảnh: Quỷ Cốc Tử)

Ngô Trần Hải An (Linh Trang ghi)