Thực tế đã đúc kết thành bài học kinh nghiệm, để du lịch phát triển, chỉ có những ưu thế về địa danh thôi chưa đủ, chúng ta cần có những sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp để thu hút, giữ chân và đưa du khách trở lại trong lần tiếp theo.

Tọa lạc ở trung tâm thị trấn Đồng Văn cách Hà Giang 145km về phía Bắc và được hình thành từ thời sơ khai, Phố cổ Đồng Văn nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc vùng cao nguyên đá.

W-anhdongvan.png
Ảnh minh hoạ

Ngày 24/7/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Văn bản số 2378/BVHTTDL-KHTC về việc thẩm định Dự án tu bổ cấp thiết di tích phố cổ Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dự án được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư hơn 66 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, vốn ngân sách địa phương và các hộ dân có nhà được tu bổ đóng góp. Dự án có tổng số 31 ngôi nhà cần được tu bổ, cải tạo. Đến năm 2017, về cơ bản những ngôi nhà nằm trong Dự án đã được tu bổ, cải tạo, giúp giải quyết tình trạng nhà xuống cấp có nguy cơ sụp đổ.

Từ năm 2017, nhiều homestay đã được hình thành và bắt đầu đón khách du lịch. Hiện nay, Đồng Văn có 120 hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng, chủ yếu tập trung ở thị trấn Đồng Văn, xã Ma Lé và xã Lũng Cú. Trung bình, mỗi homestay đón được khoảng 20 đến 30 khách/tháng.

Việc phát huy những lợi thế của phố cổ Đồng Văn gắn với bảo tồn nguyên trạng di tích văn hóa đang được chính quyền và người dân thị trấn Đồng Văn chung tay thực hiện. Bởi theo những hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang đầu tư tại đây đều có chung quan điểm phát triển dịch vụ du lịch là cách để phát huy các giá trị phố cổ mang lại.

Có thể nói chợ phiên là nơi thể hiện rõ nét nhất bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Du khách từ khắp nơi tìm đến vùng cao nguyên đá thăm phố cổ Đồng Văn, thăm chợ phiên vùng cao để được hòa mình vào dòng văn hóa bản địa.

Với quyết tâm những sản phẩm du lịch đặc sắc để thúc đẩy du lịch phát triển, thời gian qua việc huyện Đồng Văn xây dựng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc địa phương, trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn là điều rất đáng ghi nhận. Đây là một cách làm sáng tạo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, bám chặt vào văn hóa bản địa để thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút khách đến với huyện Đồng Văn.

Thông qua sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có tại phố cổ Đồng Văn, với cách làm xã hội hóa, nhiều cán bộ, cộng tác viên văn hóa của Trung tâm VHTT&ĐL huyện Đồng Văn có thêm cơ hội rèn giũa, phát huy và nâng cao khả năng nghệ thuật, trở thành những nòng cốt của huyện trong việc khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Đó cũng chính là một trong những cách làm của Đồng Văn nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 27 của Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Nhóm PV