- Tôi làm trong ngành du lịch lại chuyên về thị trường Outbound nên “được” nghe không biết bao nhiêu là những điều về du khách Việt. Có những khách phải thốt lên “nhục nhã quá”.

Có những điều chúng tôi nói mà người ta không tin, thậm chí có người nói chúng tôi đang miệt thị người Việt. Nhưng, các cụ nhà mình nói: "không có lửa làm sao có khói".

Chúng tôi làm trong ngành du lịch, lúc nào cũng chỉ mong muốn cho khách của mình có chuyến đi thành công, chúng tôi vừa vui vừa có thu nhập. Nhưng không ít chuyện mà người làm du lịch “bầm gan tím ruột vì khách”, còn làm ảnh hưởng đến những thành viên khác trong đoàn.

{keywords}
Hướng dẫn viên lúc nào cũng chỉ mong muốn cho khách của mình có chuyến đi thành công, chúng tôi vừa vui vừa có thu nhập. (Ảnh minh họa)

Chuyện ăn, chuyện uống là “chuyện thường ở phố huyện”. Chẳng ở đâu lại buồn cười như khách Việt. Mỗi lần đoàn khách Việt bước vào là nhà hàng cứ rôm rả hẳn lên. Nào là nói to, nào là chọn người ngồi cùng bàn.

Bạn nghĩ sao khi nhà hàng để hẳn dòng chữ bằng tiếng Việt với nội dung nhắc nhở khách lấy đủ ăn, nếu thừa sẽ bị phạt.

Có những khách lợi dụng nhân viên nhà hàng không để ý đã đổ thức ăn vào thùng rác rồi lấy rác phủ lên để không bị nhắc nhở.

Nhiều khách ra nước ngoài cũng “tranh thủ” thưởng thức mọi “đặc sản” địa phương. Họ đề nghị hướng dẫn viên cho địa chỉ đến "nhà thổ" mua dâm. Họ đi một mình thì chẳng sao, có người đòi hướng dẫn viên đưa đến tận nơi. Hướng dẫn viên ngồi ôm đồ cho khách chờ ngoài sảnh đến nửa đêm chưa được về nghỉ, ngày mai vẫn phải lên đường như bình thường.

Có khách khiếm nhã, còn "đề nghị" với nữ hướng dẫn viên địa phương làm hướng dẫn viên bị một phen khốn đốn xin xỏ, còn khách đó bị bẽ mặt trước cả đoàn. Tất nhiên, đoàn đó cũng chẳng có chuyến đi toại nguyện.

Cái tật “táy máy” của nhiều người Việt đánh chết không chừa. Họ ra nước ngoài mà vẫn giữ tật xấu. Cửa hàng nước ngoài thường đặt camera chứ không dùng nhân viên bảo vệ. Lợi dụng sơ hở, khách Việt tiện tay “thó” mất, mang về Việt Nam. Có không ít khách được mời về đồn cảnh sát làm việc, tự vạch vết nhơ trên mặt.

Trốn ở lại lao động trái phép lại còn là vấn nạn đối với rất nhiều nước, làm hướng dẫn viên và công ty tổ chức bị một phen “tá hỏa”. Đừng hỏi vì sao các nước lại làm chặt visa đối với công dân một số nước trong đó có Việt Nam.

Những khách hàng này đều bị xử phạt ở nước sở tại. Tuy nhiên, để làm trong sạch hình ảnh của khách du lịch Việt ở nước ngoài, chúng ta nên có những quy định xử phạt nghiêm như phạt hành chính hoặc không được xuất cảnh trong một thời gian nhất định… Nên có một kênh truyền hình để dạy các kỹ năng đi du lịch trong đó có những lưu ý về quy định xuất nhập cảnh, văn hóa, phong tục và pháp luật của các nước trên thế giới.

Những người làm du lịch như chúng tôi luôn mong muốn cống hiến cho khách hàng những chuyến đi tốt nhất. Vì vậy, chúng tôi hy vọng chính khách hàng nên tôn trọng những quy định của nước sở tại, góp tiếng nói ngăn chặn hành vi xấu làm ảnh hưởng đến chuyến đi và ảnh hướng đến những khách du lịch chân chính.

ThS Vũ Mến