Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã lập ứng dụng để người tiêu dùng mua sắm |
Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), bên cạnh xu hướng sử dụng website phục vụ hoạt động kinh doanh, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang chú trọng xây dựng ứng dụng di động (App Mobile) để bán hàng do xu hướng mua sắm qua ứng dụng của người tiêu dùng đang rất lớn.
Thực tế cho thấy, với tỷ lệ người dân sử dụng smartphone tại Việt Nam ngày càng lớn, thói quen mua sắm trên ứng dụng di động cũng liên tục tăng mạnh.
Nếu như năm 2013 số lượng người tiêu dùng mua hàng qua thiết bị di động chỉ 6% thì tới năm 2017 đã đạt 41%. Một số trang thương mại điện tử cho hay nhu cầu mua hàng qua di động còn vượt trên 50%.
Theo số liệu Nielsen công bố cuối năm 2018, đã có đến 98% người dùng Internet Việt Nam mua hàng qua mạng. Những giao dịch thời trang, du lịch, sách và âm nhạc được giao dịch nhiều nhất.
Nắm bắt nhu cầu, thời gian qua, các doanh nghiệp như Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Adayroi… cho tới những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn đều đã xây dựng ứng dụng để người dùng tiện mua sắm, theo dõi các chương trình ưu đãi, khuyến mãi.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2018 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố cũng cho thấy, trong số các doanh nghiệp có trang web phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng (mobile app), có 42% số doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động.
Có 29% có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa và 47% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.
Để thúc đẩy hơn nữa nhu cầu sử dụng ứng dụng của người tiêu dùng, nhiều trang thương mại điện tử còn bắt buộc người dùng phải cài ứng dụng để nhận được mã khuyến mãi hoặc tặng quà, thay vì chỉ giao dịch đơn thuần qua trình duyệt web mobile hay máy tính.
Cũng theo Bộ Công Thương, tín hiệu khả quan là qua từng năm, mức độ quan tâm của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đối với hiệu quả của kênh bán hàng là ứng dụng di động tăng đáng kể.
Nếu như năm 2013 chỉ 13% thì đến 2017 đã đạt 22%. Và đến thời điểm hiện nay, con số này vẫn tiếp tục gia tăng.
“Tương tác mua sắm qua thiết bị di động của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, do đó các doanh nghiệp cần chú trọng đến nhu cầu này”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.