Ông Nguyễn Trung Dũng - người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods - là bạn học cấp 2, cấp 3 của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Ông có 30 năm sinh sống, học tập và làm việc ở Ba Lan.
Trải qua 3 lần khởi nghiệp, ông Dũng kể từng có cả triệu USD ở xứ người và cũng từng bán lại công ty cho tỷ phú người Việt ở Ukraine. Nhưng sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008, ông "trắng tay".
Sáng mùng 1 Tết Canh Dần năm 2010, ông Dũng bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM, khởi đầu một hành trình mới. Người đàn ông gần 50 tuổi khi đó cũng chưa hình dung mình sẽ khởi nghiệp lần thứ 4.
Còn bây giờ, ông được gọi là "ông trùm" gia vị đặc sản. Ông vẫn đang tiếp tục hành trình mang gia vị Việt đi khắp thế giới, với một khát khao cháy bỏng là khẳng định chất lượng sản phẩm Việt Nam với bạn bè quốc tế.
13 năm trước khi về nước, ông có cảm giác gì khi đặt chân xuống sân bay trong một buổi sáng đầu năm mới khi mà nhà nhà, người người đang sum vầy vui vẻ?
- Tôi khởi nghiệp 3 lần và lần thứ 3 thì thất bại, không thành công về mặt kinh tế cùng với khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân. Năm 2009, tôi tình cờ gặp lại bạn học hồi cấp 3 qua mạng. Sau khoảng nửa năm nói chuyện qua lại, chúng tôi quyết định là ở tuổi 50 không còn gì để mất nên sẽ thử một cuộc sống mới, môi trường mới.
Ở Ba Lan, trước khi thành triệu phú USD, tôi từng làm rất nhiều việc. Khi quyết định về Việt Nam, tôi nghĩ mình cũng khỏe mạnh, chăm chỉ và sẽ kiếm được việc làm. Vậy là tôi mua vé bay về. Trở về đúng mùng 1 Tết là ngẫu nhiên thôi, vì lúc đó mới có vé bay.
Tôi có một chút bồi hồi khi đặt chân xuống sân bay, vì biết rằng cuộc đời mình sẽ bước sang một trang mới, ở một môi trường khá lạ lẫm. Mặc dù là người Việt nhưng tôi đi du học từ năm 19 tuổi, sống 30 năm liền ở Ba Lan nên môi trường Việt Nam với tôi tương đối xa lạ.
Nhưng với bản chất liều lĩnh, dũng cảm, tôi không sợ. Tôi tin dù đi làm thuê hay làm chủ, tôi cũng sẽ lo được cho bản thân.
Tôi được biết ông học chung từ cấp 2, cấp 3 với ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan. Ông cũng đi buôn mì gói, ông Quang cũng vậy. Rồi bây giờ ông Quang là tỷ phú USD, ông vẫn đang khởi nghiệp. Có khi nào ông chạnh lòng khi nghĩ về điều đó?
- Tôi là bạn học của Quang, bây giờ bạn bè vẫn gặp gỡ. Tuy nhiên, bạn đã là tỷ phú, mình vẫn là một người khởi nghiệp nhỏ. Nhưng hỏi có chạnh lòng không, tôi trả lời là không.
Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi đã kiếm được rất nhiều tiền, sở hữu biệt thự sân vườn 2ha, bảo vệ canh gác 24/24, có người làm vườn riêng, người nấu ăn riêng, nhưng tôi không thấy hạnh phúc, không thấy vui.
Sau đó, tôi bán công ty cho tỷ phú người Việt tại Ukraine, nghỉ ngơi vài năm rồi khởi nghiệp lần 3. Lúc đó tôi muốn làm lớn ngay vì nghĩ rằng có kinh nghiệm và có nhiều tiền thì chắc chắn sẽ thành công, nhưng đúng lúc đó thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế và lần khởi nghiệp đó đã không thành công.
Sau 3 lần khởi nghiệp, tôi thấy niềm vui không phải khi mình có nhiều tiền. Nhiều tiền thì bận rộn, không có thời gian tiêu tiền, hưởng thụ cuộc sống. Giờ, tôi vẫn đi đá bóng 2 buổi mỗi tuần, có niềm vui riêng của bản thân, cuộc sống, công việc đều rất vui.
Ngày xưa tôi nghĩ phải mua biệt thự to, đi xe sang thì mới hạnh phúc. Giờ về Việt Nam, tôi đi xe máy Attila, Grab nhưng rất vui, vì cảm thấy mình là người tự do, không ràng buộc. Tự do với tôi quan trọng hơn, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo cuộc sống.
Ngày hôm nay, tôi nghĩ và không thấy hối hận về quyết định trở về Việt Nam năm đó, không thấy ghen tỵ với bạn bè, vẫn thích thú cuộc sống thường nhật. 11 năm qua kể từ khi có Dh Foods, tôi đi làm hàng ngày và đều thấy vui.
Tôi hy vọng các bạn trẻ bây giờ cũng thấy vui khi đi làm, đừng lấy tiền là mục đích chính, nên biết cân bằng thì cuộc sống sẽ bền hơn. Các tỷ phú công nghệ ban đầu khởi nghiệp cũng vì đam mê, họ sáng tạo, làm ra cái mới phục vụ cộng đồng rồi tiền sẽ tự đến. Nếu bạn làm vì đam mê thì khi thành công bạn sẽ có cả tiền lẫn niềm vui.
Với niềm tin "dù làm thuê hay làm chủ cũng lo được cho bản thân", ông làm công việc gì sau khi về nước?
- Trước khi về nước, tôi có gặp một người bạn thời đại học, khi đó là cổ đông chi phối một công ty thực phẩm lớn tại Việt Nam. Khi biết tin tôi muốn về Việt Nam, bạn mời tôi tham gia ban giám đốc.
Trong 2 năm làm việc, tôi có cơ hội được đi công tác khắp Việt Nam và thấy Việt Nam có rất nhiều điều thú vị, mỗi vùng miền đều có đặc sản riêng của mình.
Trong 2 năm làm việc, từ vị trí phó tổng giám đốc lên tổng giám đốc rồi chủ tịch HĐQT, tôi đã góp phần vào sự tăng trưởng doanh số gần gấp đôi. Sau đó tôi quyết định nghỉ việc để làm điều mình thích và đó là khởi nghiệp lần thứ 4.
Vậy cơ duyên nào dẫn ông tới quyết định mở công ty gia vị trong lần khởi nghiệp thứ 4 này?
- Trong 2 năm được đi khắp Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều loại gia vị đặc sản phong phú ở các vùng miền nhưng người tiêu dùng chỉ sử dụng phổ biến các loại nước tương, tương ớt, hạt nêm, bột ngọt.
Ở Ba Lan 30 năm, tôi thấy người châu Âu dùng gia vị rất nhiều, nhất là các loại thảo mộc. Còn ở Việt Nam thì ít hơn. Tôi tin rằng khi Việt Nam phát triển hơn, nhu cầu ăn ngon, sử dụng gia vị ngon ngày càng lớn.
Tôi yêu ẩm thực, mà gia vị là linh hồn của ẩm thực. Tôi muốn quảng bá các loại gia vị vùng miền với người tiêu dùng trong nước, sau đó là giới thiệu ra quốc tế.
Loại gia vị đầu tiên mà tôi chọn là muối tôm Tây Ninh, trong một lần tình cờ đi công tác qua Campuchia.
Khi đi qua cửa khẩu, các bạn nhân viên phòng marketing xuống mua muối tôm, muối ớt về làm quà. Tôi ngạc nhiên vì Tây Ninh làm gì có biển mà có muối. Nhưng chính vì họ không có muối, không có biển nên phải làm loại muối giữ được lâu.
Cách đây 10 năm, người tiêu dùng chỉ có thể mua muối tôm Tây Ninh ở Tây Ninh hoặc TPHCM, nhưng hiện nay bất kỳ đâu cũng có, một phần nhờ đóng góp của công ty chúng tôi.
Sau đó, chúng tôi phát triển thêm 4-5 loại gia vị và giờ có hơn 100 loại, nhưng chưa là gì vì gia vị Việt rất phong phú.
Ngay từ ban đầu, tôi đã định hướng sản phẩm của công ty là nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất phụ gia hay bảo quản. Tôi nhắm đến phân phối vào hệ thống siêu thị trong nước, nơi người tiêu dùng có thể chấp nhận mức giá cao hơn một chút nhưng chất lượng đảm bảo.
Mặt bằng giá sản phẩm của chúng tôi thường nhỉnh hơn so với các công ty cùng ngành, vì ưu tiên dùng nguyên liệu tự nhiên, không dùng phụ gia, không dùng chất bảo quản nhân tạo.
Sản phẩm được xuất khẩu từ năm 2016, đã qua 10 nước, chủ yếu là những nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Đức; sang cả Mỹ.
Công ty mới có sản phẩm gia vị sốt kim quất (trái tắc vàng), là gia vị chấm bò bít tết, bán ra từ tháng 10/2022, đã đưa vào một số hệ thống siêu thị. Tôi nhận thấy Trung Quốc có sốt mận, Thái Lan có sốt xoài rất nổi tiếng.
Còn Việt Nam, là một đất nước nhiệt đới, các loại trái cây vô cùng phong phú như kim quất, xoài, cam, chanh, bưởi, bơ, gấc… Tất cả đều có thể làm gia vị được. Chưa kể hàng năm, thi thoảng chúng ta lại nghe thấy kêu gọi giải cứu trái cây. Nếu các loại trái cây có thể làm gia vị thì vừa vui, vừa tự hào. Người nước ngoài lại càng thích sự sáng tạo và cũng thích trái cây.
Công ty đã thử mười mấy loại trái cây và chọn 4-5 loại đặc biệt nhất. Hy vọng trong năm nay, công ty có thể giới thiệu ra thị trường các sản phẩm này.
Làm sản phẩm không phụ gia, không chất bảo quản, vậy công ty có gặp các "tai nạn" nào về sản phẩm?
- Trong 3-4 năm đầu tiên, công ty phải thu hồi và hủy nhiều sản phẩm vì chưa đến hạn đã hỏng và chấp nhận lỗ thời gian đó. Về sau, khi quy trình sản xuất được hoàn thiện hơn, có kinh nghiệm hơn thì tỷ lệ sản phẩm lỗi ít hơn, hiện nay chỉ dưới 1%.
Nếu sản phẩm bị lỗi, chúng tôi đều thu hồi. Công ty chọn con đường không hóa chất và chấp nhận nó sẽ khó đi hơn các con đường khác.
Vì sao ông lại chọn con đường khó để đi?
- Tôi không thích hóa chất. Tôi sống ở Ba Lan 30 năm, người ta ưu tiên các sản phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe.
Tôi cũng muốn làm sản phẩm đảm bảo như thế, để người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được dùng sản phẩm tốt, để chinh phục những thị trường lớn và khó tính trên thế giới.
Doanh số xuất khẩu hiện chiếm bao nhiêu % trong tổng doanh thu?
- Xuất khẩu chiếm 10% doanh thu, trong đó Nhật Bản chiếm một nửa trong số đó. Mục tiêu trong 3-5 năm nữa, xuất khẩu chiếm 30-40% doanh thu.
Với tôi, làm xuất khẩu phải kiên trì. Để xuất sang Nhật, chúng tôi phải đàm phán mất 2 năm, Hà Lan 1 năm. Còn như Pháp là từ tháng 10/2022, chúng tôi mang hàng đi triển lãm ở Paris, trước đó có sự kết nối từ Bộ Công Thương nên tháng 12 đã có đơn hàng.
Tháng 4 năm nay, các sản phẩm đã lên kệ 2 hệ thống siêu thị hàng đầu Pháp là Carrefour và E.Lerclerc. Ngoài Dh Foods, Việt Nam còn các sản phẩm của Lộc Trời, Acecook cũng được bán ở 2 siêu thị đó.
Sau khi tham gia triển lãm Natural Expo West tháng 3 vừa rồi, chúng tôi đang đàm phán với một số nhà nhập khẩu, phân phối lớn ở Mỹ, trong đó đã có một số nhà bay về Việt Nam kiểm tra tham quan nhà máy.
Chúng tôi đẩy mạnh tham gia các triển lãm ở các nước mình muốn bán hàng. Bởi bình thường gửi email, gửi mẫu, họ cũng không quan tâm, nhưng khi đi triển lãm thì họ sẵn sàng lắng nghe mình trình bày, giới thiệu.
Khoảng 1 tháng trước, chúng tôi có tham gia triển lãm SIAL Shanghai Trung Quốc, nhiều nhà thu mua, phân phối ở siêu thị rất quan tâm tới gia vị Việt Nam.
Hiện tại, kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tình hình ở công ty ông ra sao?
- Trước năm 2022, công ty tôi tăng trưởng trung bình 50%/năm về doanh số trong 6 năm liên tục. Đến năm 2022 và sang 2023, tốc độ này chỉ còn khoảng 10%.
Nhưng theo nhận định của nhiều Buyer Siêu thị thì đây là mức tăng trưởng khá cao so với ngành trong bối cảnh hiện nay, trong siêu thị còn nhiều ngành hàng giảm 30-40%. Chúng tôi tăng trưởng nhờ nỗ lực mở rộng kênh phân phối như xuất khẩu và phát triển sản phẩm mới.
Trước đây, công ty chủ tập trung vào kênh phân phối hiện đại, tức là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa.
Về xuất khẩu thì như tôi đã nói, công ty chịu khó đi các triển lãm để tìm kiếm khách hàng và đạt được thành quả đáng ghi nhận, có thêm khách hàng ở Pháp và đang đàm phán với khách hàng ở Mỹ.
Công ty tôi chọn con đường phát triển bền vững, chậm mà chắc. Kết quả sau 10 năm đi từ số 0 lên doanh số 160 tỷ đồng. Tôi nhận ra rằng khởi nghiệp cũng như chạy đường dài, cẩn trọng chậm chắc nhưng đi xa. Nó cũng mang lại cho mình, cho công ty cảm giác bền vững và chắc chắn. Khởi nghiệp là hành trình, không phải đạt mục đích thật to thật lớn.
Với quan điểm đi chậm đi chắc đi bền vững, có vẻ ông sẽ chỉ khởi nghiệp tới lần thứ 4 thôi nhỉ?
- Tôi cũng hy vọng vậy, tôi đã khởi nghiệp 3 lần rất thành công rồi trả giá chính vì sự vội vàng thời trẻ. Tôi có thể vay nóng, vay lãi suất cao để công ty phát triển nhanh. Nhưng xét về dài hạn thì không bền vững như bây giờ.
Bền vững là gì, là xây dựng được một đội ngũ cộng sự gắn kết, cùng nhau tạo nên những giá trị lâu dài cho người tiêu dùng. Những lần khởi nghiệp trước, trong 3 năm công ty đã đạt được doanh số như 10 năm bây giờ. Nhưng bây giờ lại là lúc khiến tôi cảm thấy vui nhất.
Nhưng đi chậm quá thì bao giờ ông mới thành triệu phú USD được?
- Bạn nghĩ tăng trưởng 50% trong 6 năm liên tục thì chậm hay nhanh? Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, công ty vẫn duy trì mức tăng trưởng 10% và đạt hy vọng đạt mức 30% sau khi kinh tế phục hồi.
Thị trường thế giới là mênh mông, số lượng hàng Việt Nam bán ra nước ngoài còn rất ít. Siêu thị ở Mỹ, ở Pháp không hề có hàng Việt Nam. Dư địa xuất khẩu còn rất nhiều.
Làm công ty gia vị, mong ước của ông là gì?
- Đầu tiên, tôi mong công ty phát triển bền vững, liên tục, có thu nhập tốt để trả mức lương xứng đáng cho nhân viên, có tiền để đầu tư phát triển, và mang được gia vị Việt Nam ra khắp thế giới.
Cách đây hơn 20 năm khi tôi còn ở Ba Lan, mới tốt nghiệp đại học, một ông giáo sư kinh tế, cũng là người quen đã nói với tôi: "Việt Nam không có sản phẩm xuất khẩu được". Lúc đó đầu những năm 90, tôi nghe xong đau hết lòng vì lúc đó là sự thật. Phải sống ở nước ngoài thì các bạn mới hiểu cảm giác làm sao khẳng định được mình là người Việt, sản phẩm Việt Nam giá trị tới mức nào.
Ở nước ngoài, khi tôi thấy sản phẩm Việt trên kệ hàng siêu thị của người ta, tôi rất tự hào. Khi chúng tôi xuất gia vị sang Nhật, nhiều người Việt sống bên đó nhắn tin chia sẻ là rất tự hào khi thấy sản phẩm Việt Nam trên kệ siêu thị.
Trước đây, sản phẩm Việt Nam chỉ được bán ở các cửa hàng đồ Việt hoặc cửa hàng của người châu Á thôi. Cho nên, xuất khẩu không phải là lợi nhuận, nó còn là niềm vui, tự hào.
Có vẻ lời vị giáo sư kia đã hằn lên suy nghĩ của ông rất nhiều?
- Chắc chắn! Và đó cũng là động lực để tôi chứng minh sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt.
Để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thì phải kiên trì, nhẫn nại, ban đầu phải chịu khó đầu tư. Hiện nay, Việt Nam làm được nhiều hàng chất lượng tốt nhưng không mang thương hiệu của mình.
Việc làm thương hiệu là lâu dài, hiện nay để sản xuất sản phẩm chất lượng tốt không khó, nhưng để thuyết phục người tiêu dùng trên thế giới tin đó là sản phẩm tốt mới khó.
Để thành công, tôi nghĩ đầu tiên phải chỉn chu từ những thứ nhỏ nhất, trừ khi không làm được thì phải chịu. Việt Nam cứ nói xuất khẩu đi Nhật, đi châu Âu khó nhưng tôi không thấy khó nếu từ đầu đã làm chỉn chu.
Các đợt đi triển lãm, chúng tôi dịch và in ấn phẩm truyền thông bằng tiếng nước sở tại như SIAL Shanghai thì tiếng Trung, Thaifex bằng tiếng Thái, Seoul Food bằng tiếng Hàn, bên cạnh tiếng Anh xuyên suốt.
Bản thân tôi khi tại triển lãm Việt Nam, nếu doanh nghiệp nước ngoài có bao bì bằng tiếng Việt thì tôi cũng thích và có cảm tình với doanh nghiệp đó. Khi sản phẩm của chúng tôi sang Pháp làm triển lãm cũng dịch catalogue (tài liệu, ấn phẩm quảng cáo) bằng tiếng Pháp. Đối tác nói rằng họ đánh giá cao chúng tôi từ những điều nhỏ nhặt, nhờ vậy mà trong mấy tháng đã có hợp đồng.
Siêu thị ở Nhật còn bắt công ty ký cam kết nếu có chuyện gì xảy ra phải bồi thường theo các yêu cầu của nước sở tại. Chúng tôi ký ngay từ đầu. Khách hàng Nhật của chúng tôi cũng kể nhiều trường hợp sản phẩm mẫu tốt, nhưng hàng được giao thì không đạt tiêu chuẩn. Họ yêu cầu được giao lô hàng mới, cũng không đạt tiêu chuẩn.
Họ đề nghị lấy lại tiền, công ty Việt Nam trả lời luật Việt Nam không cho phép ngân hàng trả lại tiền cọc. Họ nhờ chúng tôi hỏi ngân hàng Việt Nam thì thông tin đó là không đúng. Công ty kia vì lợi nhỏ mà sẵn sàng bỏ qua một khách hàng lớn. Chính điều đó cũng phần nào làm giảm uy tín Việt Nam trong mắt khách hàng nước ngoài.
Nhiều người bắt đầu gọi ông với danh xưng "ông trùm" gia vị đặc sản. Ông thích cách gọi này chứ?
- Được gọi là ông trùm gia vị Việt nghe cũng thích thích nhưng tôi biết mình còn rất bé, còn cố gắng rất nhiều để xứng với tên gọi đó. Tôi nghĩ gọi là ông già gia vị Việt có lẽ hợp lý hơn! (cười lớn)
Ở lần khởi nghiệp lần thứ 4, ông có nghĩ mình sẽ trở thành một tỷ phú nhờ gia vị? Mục tiêu hiện tại của ông là gì?
- Khởi nghiệp lần thứ 4, tôi không nghĩ mình thành tỷ phú (vì nếu nhận lời mời làm việc cho các tập đoàn lớn với mức lương cao thì tôi sẽ sớm thành tỷ phú hơn). Tôi muốn làm công việc mình thích, làm với đội ngũ trẻ mình thích.
Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là đưa được gia vị Việt lên kệ các hệ thống siêu thị tại châu Âu ( hiện nay đã lên kệ siêu thị ở Pháp), Mỹ, Canada, Úc, Korea, China. Tôi sẽ cố gắng để gia vị Việt trở thành phổ biến với người tiêu dùng thế giới như gia vị Thái Lan, Ấn Độ…
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Dân trí