Năm 2007, hai năm sau khi làng Đường Lâm được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia, các nhà quản lý đã khởi động đề án quy hoạch làng cổ, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Buổi tọa đàm sáng 13/6 tại HN tiếp tục lấy ý kiến cho đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm có sự tham gia của đại diện Sở VH-TT-DL Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TX.Sơn Tây và các nhà nghiên cứu.
Khu vực tầng 2 của một người dân Đường Lâm bị chính quyền cưỡng chế dỡ bỏ.
Không thể quy hoạch?
Không có quy hoạch, theo thời gian, làng cổ Đường Lâm bị hư hao ít nhiều các công trình kiến trúc xưa, ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan. Ông Vũ Nhật Thăng (Chủ tịch UBND TX.Sơn Tây) cho hay thị xã và trước đây là tỉnh Hà Tây đã phải “sáng tạo” ra giấy thỏa thuận xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân. Bà Đỗ Thị Hảo (Phó chủ tịch TX.Sơn Tây) phân trần: “Theo luật Di sản, làng cổ Đường Lâm không được cấp phép xây dựng mới, nhưng chúng tôi vẫn phải vượt rào vì không có hướng dẫn quản lý trật tự xây dựng”. Vì thế, nhiều công trình mới được xây dựng vô lối, thậm chí khi chưa được cấp giấy thỏa thuận.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “treo” quy hoạch được cho là do những đề xuất trong quy hoạch mâu thuẫn với nhu cầu của người dân. Theo GS Phan Huy Lê: “Không thể vin vào cớ “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển để trốn tránh trách nhiệm, chính các nhà quản lý đã không có nhận thức đúng và chưa quan tâm đúng mức đến Đường Lâm”.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng tình trạng của Đường Lâm như vậy là do: “Chính cơ quan quản lý đã không đẩy nhanh xây dựng quy hoạch”. Mặt khác, theo GS Phan Huy Lê, nhà quản lý cũng không thể lấy cớ chờ quy hoạch toàn bộ rồi mới quan tâm đến việc bảo tồn.
Dân vẫn phải chờ
Theo đề án quy hoạch do PGS-TS Phạm Hùng Cường (Viện Bảo tồn di tích) chủ trì, cần bảo tồn toàn vẹn cấu trúc quy hoạch và cấu trúc không gian của làng cổ gồm 5 thôn chia làm 2 khu vực bảo tồn. Khu vùng 1 - trọng tâm bảo tồn - gồm thôn Mông Phụ (đang kiến nghị mở rộng ra đền và lăng Ngô Quyền), khu vùng 2 gồm các thôn Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm.
Tại khu vùng 1, chỉ cho phép xây nhà 1 tầng. Với những ngôi nhà cổ có giá trị hoàn chỉnh ở nhà chính, nhà phụ, sân vườn (trong đó có 10 ngôi nhà đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa), cần bảo tồn và tôn tạo theo nguyên gốc, bảo tồn và phục hồi các tiện nghi gia đình, dụng cụ sinh hoạt, đồ đạc nội thất. Những ngôi nhà chỉ có nhà chính cổ, bếp, sân vườn, cổng được xây mới phải bảo tồn theo nguyên gốc, từng bước tôn tạo các hạng mục mới theo kiểu truyền thống.
Nhà 1 tầng nhưng không có công trình cổ vẫn giữ nguyên hiện trạng. Riêng với những công trình xây cao 2-3 tầng sẽ cải tạo đưa về kiến trúc nhà 1 tầng. Ở khu vùng 2, những ngôi nhà cổ có giá trị hoàn chỉnh cũng được bảo tồn và tôn tạo theo nguyên gốc, riêng với những công trình mới hoặc chỉ có một phần cổ cho phép xây dựng tối đa 2 tầng nhưng phải có độ lùi, cách xa với các ngôi nhà cổ. Tất cả những ngôi nhà xây mới sẽ phải theo hướng dẫn cụ thể.
Buổi tọa đàm mới chỉ dừng lại ở việc tiếp thu ý kiến, chưa có kết luận cụ thể. Hiện tại, đề án quy hoạch vẫn đang tiếp tục thực hiện, chưa dự kiến cụ thể thời gian hoàn thiện, trong khi người dân Đường Lâm vẫn đang trông chờ từng ngày một.
Người dân phải có lợi ích từ bảo tồn “Bảo tồn làng cổ Đường Lâm phải mang lại lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất cho người dân. Chúng ta không chỉ bảo vệ di sản mà cần nghĩ tới đầu tư cho du lịch, mà từ đây người dân có thêm việc làm, nguồn lợi. Tôi nghĩ trong quy hoạch cần bổ sung chương trình phát triển cộng đồng và du lịch cộng đồng”. PGS-TS Đặng Văn Bài Phải có khu cựu khu tân “Mỗi khu vực đều có khu cựu khu tân, nếu không có khu tân thì không thể giải quyết bức xúc của người dân. Đối với Đường Lâm, cố gắng bảo vệ nguyên trạng là tốt nhất, còn nếu muốn xây mới thì đưa dân ra khu khác. Trong khu vực bảo tồn, các hộ gia đình ở lại phải cam kết không tăng số người sinh sống. Ngoài ra, những công trình kiến trúc nhỏ có giá trị như điếm canh hay giếng cổ, đường đi trong làng cũng cần phải có quy hoạch giữ gìn”. PGS-TS Trần Lâm Biền Nới lỏng luật pháp sẽ không thể cứu vãn “Nếu chúng ta nới lỏng luật Di sản, quy chế bảo tồn thì không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình đăng ký di sản văn hóa thế giới mà bản thân di sản quốc gia cũng không còn. Vấn đề cần giải quyết là trao đổi cụ thể với từng người dân, giải thích cho họ thấy rõ họ được lợi gì khi làng cổ được công nhận”. GS Tomoda Hiromichi (Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế, ĐH nữ Showa-Nhật |
Theo Thanh Niên