Ngày 19/9, Olympic Việt Nam bước vào trận ra quân tại Asiad 19. Đến thời điểm này, người hâm mộ Việt Nam vẫn chưa biết xem thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thi đấu trên kênh nào.

Với việc các đơn vị truyền hình tại Việt Nam nói không với bản quyền truyền hình Asiad 19, người hâm mộ cũng sẽ không được xem và cổ vũ các VĐV Việt Nam ở các môn thi đấu hấp dẫn như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, cử tạ...

Trước đó, bản quyền truyền hình Asiad 19 được ra giá từ mức 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) khiến các nhà đài Việt Nam choáng váng. Được biết, vài ngày trước, BTC quyết định giảm mạnh giá bản quyền Asiad còn khoảng 7 triệu USD (hơn 160 tỷ đồng), nhưng vẫn rơi vào tình trạng "ế".

Các đài truyền hình Việt Nam nói không với bản quyền Asiad 19

Đại diện một nhà đài ở Việt Nam cho biết, Asiad là sân chơi đẳng cấp, nhưng việc giá bản quyền tăng chóng mặt so với kỳ Asiad trước là rất vô lý.

Cụ thể, tại Asiad 2014, Hàn Quốc chỉ bán bản quyền với mức giá 200.000 USD. Đến Asiad 18, số tiền tăng lên thành 2 triệu USD và được Đài tiếng nói Việt Nam mua thành công vào phút cuối với giá khoảng 1,5 triệu USD.

Đến kỳ này, ban đầu BTC thông báo mức giá tới 15 triệu USD, nhưng sau đó giảm còn một nửa. Việc phải bỏ ra 7 triệu USD để mua bản quyền Asiad là một bài toán khó giải quyết với các đơn vị truyền hình Việt Nam, và tất cả đều chấp nhận không phát sóng trực tiếp giải đấu này.

Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 2-5 HCV 

Tại Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 504 thành viên, gồm 337 VĐV, 90 HLV, 11 chuyên gia thi đấu 31/40 môn thể thao, 202/483 nội dung của Đại hội và phấn đấu đạt từ 2 đến 5 HCV ở các môn cầu mây, xe đạp, cử tạ, karate, bắn súng, bắn cung, cờ tướng.

Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. Lễ khai mạc Asiad vào ngày 23/9, bế mạc ngày 8/10. Đại quân đoàn thể thao Việt Nam lên đường sang Hàng Châu vào ngày 20/9.