Chiều 25/2, buổi tọa đàm “Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị” tại HN đã thu hút sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của nhiều GS, PGS, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản… Nhiều ý kiến giá trị, sâu sắc, mang chiều sâu văn hóa được đưa ra tại buổi tọa đàm.
Cầu Long Biên cần được bảo tồn bằng mọi giá
PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục khẳng định cầu Long Biên là 1 trong 4 thành tố gốc làm nên đô thị Hà Nội, bao gồm phố cổ, khu phố Pháp, Hoàng thành Thăng Long và cầu Long Biên. Do đó, bà Thục cho rằng cầu Long Biên là hạt nhân của đô thị lịch sử cần được bảo tồn bằng mọi giá.
Theo bà Thục, cần tiếp cận và bảo tồn một cách có hệ thống trong sự phát triển của đô thị, bảo tồn di sản không mâu thuẫn với sự phát triển của cái mới. “Chúng ta làm bao nhiêu câu cầy phục vụ cho xe cơ giới như cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy…Còn cầu Long Biên tự nó đã lựa chọn cho mình một cách nhẹ nhàng nhất, là cầu bộ hành êm đềm, duy nhất ở Hà Nội. Vậy tại sao chúng ta lại đặt quá nhiều sức ép về cầu vận tải lên cây cầu này, trong khi Hà Nội còn rất nhiều cầu khác?”.
Nói về phương án của Bộ GTVT đưa ra để bảo tồn cầu Long Biên, bà Thục cho biết cả ba phương án đều đè lên “tim” cầu, đây là những phương án thiết kế hời hợt, tư duy thiếu tầm nhìn.
Cùng quan điểm này, PGS. TS. KTS Tôn Đại khẳng định: “Chúng ta vinh dự có được một tác phẩm tuyệt vời của Eiffel thiết kế. Nước ngoài họ tự hào ghê gớm lắm, tại sao chúng ta lại muốn bỏ đi? Đừng nói cái gì của thực dân là chúng ta bỏ. Nhà hát lớn, Phủ chủ tịch của Pháp làm, sao không bỏ hết đi?”.
Ông Đại bày tỏ quan điểm giữ lại cầu Long Biên là giữ lại một di sản văn hóa quý giá, có giá trị về văn hóa và du lịch. “Đây là cây cầu có giá trị hơn tất cả những cây cầu nào sau này. Hà Nội thiếu cầu Long Biên thì không còn là Hà Nội nữa”, ông nhấn mạnh.
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
GS. Hoàng Đạo Kính cho biết, cầu Long Biên là một tác phẩm kỹ thuật và nghệ thuật, cây cầu trở thành một bộ phận hữu cơ, tài sản của thủ đô Hà Nội. Ba phương án mà Bộ GTVT đưa ra, theo ông là chưa phù hợp, đều có thể dẫn tới sự hủy hoại, tan biến một cây cầu có giá trị lịch sử văn hóa. Do đó, cần tính toán làm sao để giảm tải công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa và khai thác văn hóa du lịch cho cây cầu.
Đồng thuận với quan điểm trên, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội: "3 phương án mà Bộ GTVT đưa ra chưa làm rõ được cách ứng xử thích hợp giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn và phát triển cần hài hòa với nhau, không thể vì nhu cầu phát triển cái mới mà chúng ta sẵn sàng phá bỏ di tích".
Ông cũng cho rằng mọi phương án bảo tồn và phát triển cầu Long Biên phải cùng lúc trả lời 3 câu hỏi: Thứ nhất, có cần bảo tồn không? thứ hai, bảo tồn để làm gì? thứ ba, bảo tồn như thế nào? Trả lời ba câu hỏi trên được rõ ràng thì công tác bảo tồn mới đem lại hiệu quả.
KTS quy hoạch đô thị Nguyễn Nga tại buổi tọa đàm đã đưa ra phương án cải tạo cầu Long Biên với mục tiêu đảm bảo ý nghĩa biểu tượng bảo tồn và đáp ứng nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế. Theo đó, dự án sử dụng kinh phí không quá 2.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA Chính phủ Pháp hoặc từ tổ hợp đầu tư Pháp – Việt, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện tối đa trong 3 năm.
Khổng Chiêm