{keywords}
Bánh mì là đặc sản đường phố bất cứ du khách nào cũng muốn thử khi đến Việt Nam. Phần nhân bánh không có công thức chuẩn mực rõ ràng mà được làm theo thói quen của từng vùng. Bánh mì Hà Nội chủ yếu dùng nhân thịt, bánh mì Hội An khá nhỏ còn nhân bánh mì TP.HCM luôn đầy đặn, cay xè... Món đồ ăn bình dân này có thể tìm thấy ở khắp các con phố với mức giá trung bình từ 15.000-40.000 đồng. Tuy nhiên, một số nhà hàng còn phục vụ bánh mì giá 100 USD với nguyên liệu đắt tiền như gan ngỗng, trứng cá muối... Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Pháp đã đưa ra thế giới vô số loại bánh trứ danh. Tuy nhiên, với người dân nước này, bánh mì truyền thống (baguette) vẫn là món gây nghiện nhất. Người Pháp có tình yêu mãnh liệt với bánh mì. Họ đã đưa ra bộ luật công nhận một chiếc bánh mì đạt chuẩn với các tiêu chí chiều dài, cân nặng, thành phần, vệ sinh... Năm 2018, những người thợ làm bánh đã tổ chức cuộc vận động yêu cầu UNESCO công nhận bánh mì Baguette truyền thống là Di sản Văn hóa. Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Challah là loại bánh mì trứng truyền thống không thể thiếu của người Do Thái. Họ thường dùng món này trong ngày Sabbath. Nguyên liệu chính của món bánh challah là trứng. Bạn có thể thêm mật ong hoặc mật mía để điều chỉnh độ ngọt cho phù hợp. Challah có hai hình dáng chính là tết thành ổ dài hoặc cuộn tròn. Kiểu đầu tiên tượng trưng cho tình yêu bền chặt còn hình tròn mang ý nghĩa của sự tuần hoàn. Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Người Jamaica ngày nay vẫn sử dụng bammy, một biến thể từ bánh mì dẹt của người Arawaks cổ. Nguyên liệu chủ yếu của món ăn này là sắn đắng, muối và nước. Sau khi nướng theo kiểu truyền thống, bammy sẽ có hình dáng dẹt, gập lại được với đường kính chỉ khoảng 25 cm. Người Jamaica xưa thích ngâm món bánh này trong nước cốt dừa trước khi ăn. Ngày nay, nhiều người cũng làm bammy bằng lò nướng hiện đại, biến tấu với bơ cùng nhiều loại gia vị. Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Bánh trứng nướng shaobing nổi tiếng ở Trung Quốc với hai vị chính là mặn hoặc ngọt. Nhân của món bánh này không có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn thường thêm bột đậu đỏ, bột mè đen, trứng, đậu phụ, thịt bò, thịt hun khói để tạo nên hương vị đặc trưng của shaobing. Món ăn này nổi tiếng ở miền Bắc hơn và thường được dùng trong bữa sáng, kết hợp với trà hoặc sữa đậu nành. Bên cạnh đó, vào mùa lạnh, món shaobing cũng hay xuất hiện bên những nồi lẩu của người Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Đến Cộng hòa Armenia (một quốc gia của châu Á, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), du khách sẽ có cơ hội dùng thử bánh mì lavash độc đáo. Phần thú vị nhất của món ăn này chính là những lò nướng đá đặt dưới mặt đất. Khi nướng, người thợ sẽ để bột bánh vào thành lò. Điều này giúp bánh lavash chín bằng hơi nóng và không cháy cạnh. Ở một vài nơi có lò nướng dựng cao, người thợ thường phải cúi sâu xuống lò để đặt bột bánh. UNESCO từng điền tên món bánh này vào danh sách "Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại". Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Bánh mì truyền thống của người Ireland không giống bất kỳ nơi nào nhờ lớp vỏ cứng và vị chua đặc trưng. Thay vì dùng men thông thường, họ làm bánh nở bằng soda. Người Ireland cổ đã nghĩ ra bánh mì soda từ những năm 1800 và hiện giờ, món ăn này đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Phiên bản chuẩn của món bánh này sẽ có dấu thập tự được rạch bằng dao trên bề mặt, mang ý nghĩa chúc phúc những điều tốt lành. Ảnh: Shutterstock.

 

{keywords}
Tại Anh, bánh mì cottage cổ truyền dù chưa xác định thời gian ra đời nhưng theo ước tính, món ăn này đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước. Hình dáng bánh cottage rất đặc trưng với hai lớp bánh lớn nhỏ xếp chồng lên nhau. Ngày nay, bạn sẽ không tìm thấy nhiều phiên bản bánh cổ điển trong các cửa hàng do thời gian làm khá lâu. Ảnh: Shutterstock.

(Theo Zing)