– Bắt cóc trẻ em, côn đồ đánh đập hành hung bác sỹ, đập phá bệnh viện, ăn cắp ăn trộm, tình trạng cò mồi lôi kéo người bệnh, … là những biểu hiện của tình trạng mất an toàn trong bệnh viện. Là môi trường “béo bở” cho các loại tội phạm phát sinh, các chuyên gia, nhà quản lý nhận định an ninh bệnh viện ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động.

Đây là thông tin được đưa ra vào sáng 12/3 tại hội thảo “An ninh bệnh viện – Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng hội y học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

{keywords}
Bé Phạm Xuân Trường bị bắt cóc tại BV Phụ sản Trung ương vào 3/11/2011 (Ảnh: VietNamNet)

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết an ninh, an toàn bệnh viện gần đây trở thành vấn đề bức xúc, đa dạng và phức tạp với những biểu hiện như bắt cóc trẻ em, côn đồ đánh đập hành hung bác sỹ, đập phá bệnh viện, ăn cắp ăn trộm, tình trạng cò mồi lôi kéo người bệnh, …

Một số vụ việc điển hình về mất trật tự an toàn bệnh viện:
- Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV đa khoa quận 7 (TP HCM) ngày 9/1/2014
- Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản TW vào tháng 11/2011
- Vụ người nhà đâm chết bác sỹ Phạm Đức Giàu và làm thương nặng 1 bác sỹ khác ở BV Đa khoa huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) vì cho rằng các bác sỹ chậm trễ trong việc cứu người xảy ra vào tháng 8/2011
- Vụ đánh bác sỹ khoa Hồi sức tích cực (BV đa khoa Hà Tĩnh) vào tháng 8/2013 khiến bác sỹ rách giác mạc. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim, cửa kính.
- Tháng 7/2012, người nhà sản phụ tử vong đập phá BV Sản nhi Cà Mau

Hệ quả của tình trạng này là làm giảm chất lượng bệnh viện, lượng người ra vào quá đông gây mất trật tự an ninh đồng thời là nguồn gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

Tình trạng trên còn làm bác sỹ không yên tâm làm việc, bị mất cắp trong quá trình điều trị khiến bệnh nhân khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất, …

Ngoài nguyên nhân quá tải gây lộn xộn, Tiến sỹ Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng) cho biết hiện nay hệ thống tổ chức của các bệnh viện tại Việt Nam có nhiều điểm không thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh trật tự.

GS Phạm Mạnh Hùng thì nêu vấn đề trong quy trình tiếp nhận bệnh nhân có nơi quá khắt khe nhưng có nơi quá lỏng lẻo, người ra kẻ vào với đủ các thành phần cũng rất thoải mái khó có thể quản lý. 

Giải pháp mà GS Phạm Mạnh Hùng cũng như ông Trần Tuấn đưa ra là bên cạnh việc giảm quá tải, các bệnh cần xây dựng quy chế hoạt động cho khoa học và giáo dục cán bộ y tế không câu kết khiến nạn cò mồi phát triển.

Ngoài ra, GS Phạm Mạnh Hùng đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về vai trò công tác xã hội trong bệnh viện. Bệnh viện có nhiều thành phần như xã hội thu nhỏ nhưng công tác xã hội lại chưa được chú ý và phải đẩy mạnh trong thời gian tới (kể cả trang thiết bị, hành lang pháp lý, giáo dục cán bộ y tế).

Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của lãnh đạo bệnh viện và chính quyền địa phương (bởi một mình ngành y không thể làm nổi việc này), đồng thời cần tuyên truyền giáo dục để người bệnh cũng như người thân cùng tham gia vào công tác xây dựng, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tư bệnh viện, đặc biệt là trong những tình huống xảy ra tai biến y khoa cần bình tĩnh xử trí, không vội vàng ứng xử thô bạo với thầy thuốc.

Hiện Bộ Y tế đã đưa An ninh trật tự là 1 trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Cuối tháng 2 vừa qua, Công an TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện. Công tác bảo vệ tại các bệnh viện cũng được tăng cường và chuyên nghiệp hóa.

Cẩm Quyên