Nỗi ám ảnh đuối nước ở trẻ em trong dịp hè
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với tác động không nhỏ của những đợt nắng nóng đầu hè, các em học sinh bắt đầu tìm đến niềm vui trong việc bơi lội. Không có điều kiện tới bể bơi, nhiều em đã chọn ao, hồ, sông, suối… làm giải pháp thay thế. Không có sự giám sát của cha mẹ hay người lớn, các em phải đối mặt với nguy cơ đuối nước cao.
Mùa hè 2020 chỉ mới bắt đầu nhưng nhiều vụ tử vong do đuối nước đã liên tiếp xảy ra. Những vụ đuối nước đau lòng xảy ra ngay cả khi các em học sinh đã biết bơi, thậm chí là bơi rất giỏi.
Ngày 23/5/2020, chỉ trong vòng một ngày, tại địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong. Trong đó tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu xảy ra một vụ đuối nước thương tâm làm 2 chị em ruột trong một gia đình tử vong là em N.T.P (11 tuổi) và em gái ruột là N.A.T (9 tuổi). Buổi chiều cùng ngày, người dân đi tập thể dục phát hiện một thi thể bé gái trên mặt hồ Cửa Nam, thành phố Vinh (Nghệ An).
Trước đó, ngày 10/5/2020, hai trẻ em có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi du lịch cùng gia đình đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm biển tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Ngày 21/5/2020, tại khu vực bãi tắm Tuần Châu cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm dẫn đến tử vong đối với 2 học sinh hệ tại chức của tỉnh.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Việt Nam có 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ tổng chiều dài khoảng 41.900km và hơn 2.300 bến ngách ngang sông, dọc tuyến, nguy cơ tai nạn về nước với trẻ là rất cao. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại Việt Nam rất thấp. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội và người dân, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng chống đuối nước còn hạn chế; sự giám sát, chăm sóc trẻ em tại các vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản. Đó là những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước tại Việt Nam luôn ở mức cao.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công văn số 1715/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia hoạt động xã hội trong đời sống hằng ngày; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2020… Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng đuối nước trẻ em. Trong đó, việc tuyên truyền một cách quy mô, bài bản và trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên đuối nước.
Ngọc Minh