Bảo dưỡng xe và chăm sóc định kỳ là việc quan trọng để giữ cho xe máy hoạt động tốt và có độ bền cao. Trong đó, dịp cuối năm thường được mọi người chọn để tân trang cũng như "tút" lại xe để chuẩn bị du xuân.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hiện tất cả các hạng mục bảo dưỡng. Chủ xe nên xác định rõ những hệ thống, bộ phận đến lúc cần được chăm sóc, thay thế nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Các hạng mục bảo dưỡng quan trọng dành cho xe máy như sau:

Dầu (nhớt) bôi trơn

Tuỳ theo loại dầu bôi trơn động cơ đang được sử dụng từ bình dân đến cao cấp mà quãng đường di chuyển trước khi cần thay thế có thể dao động từ 1.000 đến 2.000-3.000 km.

Ngoài dầu động cơ, xe tay ga còn có dầu bội trơn hộp số (dầu láp, nhớt láp). Loại dầu bôi trơn này có tuổi thọ sử dụng cao hơn, thường từ 6.000-8.000 km di chuyển mới cần thay mới.

Bao duong xe may di choi Tet, nhung hang muc can quan tam hinh anh 1 Bao_duong_xe_Tet_1.jpg

Nếu không thể tự thực hiện thay dầu nhớt tại nhà, chủ xe nên chọn nơi làm dịch vụ có uy tín và có cung cấp đúng loại nhớt xe đang sử dụng. Tránh các điểm sửa xe, thay nhớt làm việc không chuyên nghiệp hoặc bán các loại dầu, nhớt không rõ nguồn gốc.

Hệ thống nhiên liệu

Sau một năm sử dụng, hệ thống nhiên liệu của xe thường sẽ bị các cặn bẩn, hơi nước lẫn trong xăng gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Hạng mục này được các nhà sản xuất khuyến cáo thực hiện định kỳ sau 8.000-10.000 km.

Đối với xe máy sử dụng bộ chế hoà khí (bình xăng con) có thể yêu cầu nhân viên kỹ thuật xúc rửa chi tiết này khá đơn giản với chi phí vài chục nghìn đồng. Còn với các dòng xe tay ga hoặc xe côn tay trang bị phun xăng, để làm sạch kim phun chủ xe có đưa xe đến các cửa hàng dịch vụ có máy chuyên dụng. Bơm xăng và lọc xăng cũng cần được kiểm tra.

Bao duong xe may di choi Tet, nhung hang muc can quan tam hinh anh 2 Bao_duong_xe_Tet_3.jpg

Ngoài ra, người dùng có thể tự làm vệ sinh hệ thống nhiên liệu của xe máy tại nhà bằng cách sử dụng các loại phụ gia đổ trực tiếp vào xăng. Lưu ý là nên chọn mua thương hiệu phụ gia uy tín, chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ làm hại đến xe.

Bộ truyền động

Bộ truyền động có thể chia làm 2 loại chính, nhông sên dĩa (nhông xích đĩa) đối với xe số và dây cu-roa đối với xe tay ga. Trong đó, bộ nhông sên dĩa cần được căng chỉnh để sên không bị chùng, làm vệ sinh, xịt chất chống gỉ sét cũng như bổ sung thêm chất bôi trơn. Nếu các bánh răng mòn và xích bị giãn nhiều, chủ xe nên thay bộ nhông sên dĩa mới để xe có thể vận hành trơn tru, an toàn.

Bao duong xe may di choi Tet, nhung hang muc can quan tam hinh anh 3 Honda_Winner_X_HRC_14_Zing.jpg

Đối với dây cu-roa, nếu quãng đường sử dụng chưa đến 15.000-20.000 km thì không cần thay mới mà chỉ phải kiểm tra, làm vệ sinh và xịt thêm dung dịch bảo dưỡng để tăng tuổi thọ.

Các chi tiết khác

Bên cạnh các hạng mục kể trên, còn nhiều thứ cũng cần được để mắt đến để chiếc xe có thể vận hành an toàn dịp Tết:

  • Nước làm mát: kiểm tra lượng nước làm mát, nếu thiếu hãy châm thêm.

  • Lọc gió: kiểm tra để thay lọc gió sau mỗi 8.000 - 10.000 km, không nên làm vệ sinh rồi tái sử dụng lại lọc gió cũ.

  • Bugi: nên thay mới sau 8.000-10.000 km để đảm bảo khả năng đánh lửa cho động cơ.

  • Phanh: kiểm tra và bổ sung dầu phanh nếu thiếu, má phanh mòn cần được thay thế.

  • Ắc-quy: kiểm tra dung lượng bình ắc-quy, nếu bị yếu cần thay mới, nhất là đối với xe tay ga.

  • Lốp xe: lốp mòn có thể khiến xe vận hành kém an toàn hơn.

Theo Zing

5 dấu hiệu 'đáng lo' cho thấy xe cần bảo dưỡng

5 dấu hiệu 'đáng lo' cho thấy xe cần bảo dưỡng

Một chiếc xe dù được cải tiến, và nâng cấp như thế nào thì nó vẫn gặp phải một số hư hỏng trong suốt quá trình sử dụng. Do đó, khi gặp 5 “dấu hiệu” phổ biến dưới đây thì bạn phải đưa xế yêu đi bảo dưỡng gấp.