Cắt giảm "ăn sang", mang cơm nhà đi làm

Đã nhiều ngày nay, sáng nào, chị Đỗ Thị Hương (nhân viên kế toán ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng đặt chuông báo thức lúc 5h30 để dậy nấu cơm sáng cho cả nhà. Trong cơn bão giá thời dịch bệnh, ăn cơm trong bữa sáng là một trong những lựa chọn mà chị Hương cho rằng vừa tiết kiệm, vừa an toàn.

Vợ chồng chị Hương có ba con nhỏ. Trước đây, mỗi bữa sáng, chị thường đổi món cho cả nhà, khi thì bánh cuốn, trứng vịt lộn, thi thoảng "ăn sang" thì bún, phở, có hôm là tô cháo trai hay chiếc bánh mỳ pa-tê. Chi phí cho bữa sáng của gia đình 5 người thường dao động từ 60.000 -140.000 đồng.

Tuy nhiên, từ thời điểm giá xăng tăng phi mã kéo theo giá cả hàng hóa leo thang, các thức quà bữa sáng đã tăng từ 2.000 -5.000 đồng/món.

"Chiếc bánh mỳ từ 15.000 đồng giờ tăng lên 17.000-20.000 đồng. Bát phở cũng tăng từ 30.000 lên 35.000 đồng… Cả nhà tôi mà cứ "ăn sang" như trước thì chẳng mấy chốc bay mất tháng lương. Tôi đành chuyển sang nấu cơm, ăn đơn giản cho qua bữa sáng. Các con cũng chưa quen lắm nhưng tôi cứ đan xen, thay đổi dần dần. Hai vợ chồng thì 100% là ăn cơm cho chắc dạ rồi", bà nội trợ này chia sẻ.

Bão giá bóp nghẹt túi tiền, bố mẹ mổ lợn tiếp tế cho con ở Thủ đô - 1

Nhiều gia đình tận dụng nguồn thực phẩm từ quê gửi lên để tiết kiệm thời bão giá (Ảnh: H. A)

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Hương nêu ví dụ về các bữa sáng của gia đình. Theo chị, nếu tính các khoản mua đồ ăn thức uống cả một ngày thì mới thấy chi phí đội lên hẳn so với trước đây.

"Hàng hóa gì cũng tăng, mỗi lương là không tăng nên vợ chồng tôi phải tiết kiệm tối đa, chỉ dám mua những gì thật cần thiết. Buổi sáng, tôi nấu nhiều cơm cho chồng mang đi làm, còn mình thì phi về nhà nấu cơm cho các con, tiện dùng bữa trưa luôn", chị Hương nói.

Bên cạnh việc cắt giảm các khoản chi không cần thiết như ăn hàng, đưa con đi chơi ở các bảo tàng, công viên trong trung tâm mỗi dịp cuối tuần, chị Hương còn gọi điện nhờ bố mẹ gửi rau, quả trong vườn nhà và thực phẩm từ Hưng Yên lên Hà Nội.

Bão giá bóp nghẹt túi tiền, bố mẹ mổ lợn tiếp tế cho con ở Thủ đô - 2

Tủ lạnh chật ních rau quê của chị Hương (Ảnh: NVCC)

Chị Hương kể, ở quê đất rộng nên bố mẹ chị trồng được rất nhiều loại rau như su hào, cải bắp, rau mùng tơi, rau cải… Ông bà cũng nuôi thêm gà, vịt để đẻ trứng. Thời gian trước, giá cả chưa tăng, chị Hương ít khi nhờ ông bà gửi đồ từ quê lên, chỉ khi nào tiện về chơi thì chị mới lấy một ít mang đi.

Tuy nhiên, từ hôm phải mua 19.000 đồng một mớ mồng tơi bé xíu, chị Hương xót ruột gọi ngay về cho mẹ đẻ xin "viện trợ thùng xốp". Ngay ngày hôm sau, chị được bà gửi cho một thùng đầy ắp rau quê, thịt gà, trứng và hồng xiêm.

"Gần 20.000 một mớ rau, luộc thì được vài gắp nên tôi thái ra nấu canh cho cả nhà. Quả đúng là không ăn rau cũng xót ruột, mà ăn (với giá đó) cũng xót vì quá đắt đỏ, vậy nên tốt nhất là xin rau ở quê của ông bà nội ngoại hai bên. Rau ông bà trồng được không phải mua, còn thịt gà thì chỉ 90.000 đồng/kg thay vì 135.000 đồng như ở Hà Nội. Vậy nên, tính ra tôi cũng tiết kiệm được kha khá", chị Hương chia sẻ.

Mổ lợn tiếp tế gấp cho con trong cơn bão giá

Mấy ngày liền nghe con gái gọi điện kêu ca cảnh đi chợ như bị "rút ví", ngày 13/3, bà Nguyễn Thị Chín (quê Hà Tĩnh) thúc giục chồng mổ luôn con lợn 60 kg đang nuôi trong chuồng. Bà bớt lại một ít thịt cho gia đình ăn, còn phần nhiều, bà đóng thùng xốp gửi ra Hà Nội cho các con và hai cháu nội. 

Nhận đồ "tiếp tế" từ mẹ, chị Trần Thị Ánh (nhân viên kinh doanh của một công ty ở quận Thanh Xuân) mừng rỡ khoe: "Ngoài thịt lợn, mẹ tôi còn mua thêm cá biển, hái thêm rau trong vườn gửi cho mấy anh chị em tôi ngoài này".

Bão giá bóp nghẹt túi tiền, bố mẹ mổ lợn tiếp tế cho con ở Thủ đô - 3

Gia đình bà Chín dậy từ sớm để thịt lợn gửi ra Hà Nội cho con (Ảnh: Trần Mỹ)

Nhờ có nguồn thực phẩm từ quê nhà, chị Ánh cảm thấy bớt áp lực phần nào trong bối cảnh giá cả nhiều loại đồ ăn thức uống, dịch vụ tăng dựng đứng mỗi ngày. Giờ đây, người phụ nữ này không phải lo mua thịt, cá hay rau hàng ngày mà chỉ cần mua một số loại hoa quả để cân đối dinh dưỡng cho cả nhà.

Cũng như bao bà nội trợ khác, những ngày qua, chị Đàm Thị Thúy (thạc sĩ của một viện nghiên cứu thuộc phố Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội) cũng chóng mặt mỗi lần đi chợ. Cách đây một tháng, chị chỉ mất 30.000 đồng để mua 1 kg cam thì giờ đây giá của loại quả này đã tăng lên 50.000 đồng.

Nhiều loại hoa quả như nho, xoài cũng tăng từ 15.000 đồng-30.000 đồng/kg. Một nải chuối tiêu trước đây chị mua với giá 15.000 đồng thì giờ đây với số tiền đó chị chỉ mua được 5 quả.

Các món gia vị như chanh, gừng đều tăng thêm 5.000 đồng/kg. Rau các loại cũng tăng mạnh, như bông cải tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/kg. Cách đây mấy tháng, 500.000 đồng chị Thúy đi chợ hai ngày mới hết, giờ quay đi quay lại hết veo. 

Khi chị Thúy thắc mắc thì nơi đâu người bán cũng nói: "Xăng tăng nên cái gì cũng tăng, các em thông cảm".

Theo chị Thúy, mỗi lít xăng RON 95 cách đây 1 năm chỉ hơn 17.000 đồng thì nay đã vọt lên 28.985 đồng. Trước đó, chiếc xe Lead của chị chỉ cần đổ 80.000 đồng là đầy bình, nhưng giờ muốn đầy bình phải mất 150.000 đồng.

Bão giá bóp nghẹt túi tiền, bố mẹ mổ lợn tiếp tế cho con ở Thủ đô - 4

Trứng, thịt và rau củ quả chị Thúy nhận được từ quê nhà (Ảnh: Đàm Thúy)

Vì làm công tác nghiên cứu nên trong thời gian dịch bệnh, chị Thúy được cơ quan tạo điều kiện cho làm việc tại nhà. Hàng ngày, chị đã tiết kiệm được một khoản kha khá cho hành trình di chuyển từ nhà ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đến phố Kim Mã Thượng.

"Nếu hàng ngày tôi vừa phải chi tiền đổ xăng để đi về 25km và chạy đua với cơn bão giá thì chắc số tiền lương 6 triệu đồng của tôi không trụ nổi nửa tháng", nữ thạc sĩ thành thật nói.

Thấy chị em trên các hội nhóm mách nhau bí kíp kêu gọi "viện trợ thùng xốp", chị Thúy cũng gọi điện về cho bố mẹ ở Vĩnh Phúc nhờ "tiếp tế". Chị Thúy cho hay: "Tôi gửi về ít tiền nhờ ông bà mua đồ ở quê cho rẻ. Giá các loại thịt ở quê thường rẻ hơn từ 30.000-40.000 đồng/kg, rau xanh và rau gia vị thì gia đình tôi trồng được nên không phải mua. Trong tình hình này, tiết kiệm được từng nào hay từng ấy".

Giá xăng tăng cao kéo theo chi phí sinh hoạt đắt đỏ như "bóp nghẹt" túi tiền của nhiều bà nội trợ. Trong khi đó lương và thu nhập của nhiều người gần như không đổi, nhiều trường hợp thậm chí có nguy cơ bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trước khi tìm ra các giải pháp lâu dài, các bà nội trợ buộc phải truyền tai nhau các bí kíp tiết kiệm như trên bởi dẫu sao nguồn thực phẩm ở quê thường dồi dào và giá cả phải chăng hơn ở thành phố nhiều lần.

Theo Dân trí

Dở khóc dở cười F0 khoẻ mạnh nằm xem phim, F1 phục vụ bở hơi tai

Dở khóc dở cười F0 khoẻ mạnh nằm xem phim, F1 phục vụ bở hơi tai

Chỉ sau 1 ngày chăm sóc 4 F0 trong nhà, chị Ngân thấy "mệt hơn cả người bệnh".