Tờ Sina đưa tin, ngày 20/11, Cục Công an thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông đã đưa ra thông báo về vụ việc đang gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc. Theo đó, người đàn ông họ Trần đã nghi ngờ nữ bảo mẫu tên Dương Mỗ Mỗ mà gia đình mới thuê về cho con anh uống thuốc ngủ. 

Người cha cho biết con anh chào đời vào cuối tháng 8 năm nay, họ đã bỏ ra 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng) để trung tâm bảo mẫu giới thiệu một nhân viên chăm chỉ và có kinh nghiệm. 

Không lâu sau, trung tâm này đã sắp xếp nữ bảo mẫu họ Dương đến nhà anh Trần trông em bé. Tuy nhiên, sáng hôm sau, anh Trần phát hiện đứa trẻ thức dậy muộn hơn so với ngày thường. Anh cho biết: "Con chúng tôi thường tỉnh giấc sau khi ngủ được 2-3 tiếng nhưng ngày hôm đó, cháu đã ngủ hơn 5 tiếng. Con tôi thường dậy lúc 7h nhưng ngày hôm ấy, cháu 8h30 mới tỉnh dậy".

bao mau 1.jpg
Lọ thuốc được phát hiện trong túi xách nữ bảo mẫu. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Anh Trần chia sẻ thêm khi đang sắp xếp đồ đạc thì người nhà phát hiện một lọ thuốc rơi từ túi xách nữ bảo mẫu. Bà Dương khi đó tỏ ra hốt hoảng và lúng túng. Điều này khiến người cha cảm thấy nghi ngờ. Anh đã kiểm tra và phát hiện đây là thuốc clonazepam, có tác dụng an thần. Nữ bảo mẫu lúc này chỉ thừa nhận đó là thuốc của mình nhưng khẳng định không cho đứa trẻ uống thuốc ngủ.

Sau đó, anh Trần đã báo cảnh sát và đứa trẻ được đưa đến bệnh viện để xét nghiệm máu và kết quả cho thấy máu của bé chứa thành phần của loại thuốc trên. Bác sĩ cho biết clonazepam là một loại thuốc an thần có thể làm giảm lo lắng và giúp ngủ ngon. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ như gây buồn ngủ, chóng mặt, mất tỉnh táo và chống chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Nếu uống clonazepam trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ.

Theo người cha, nữ bảo mẫu họ Dương đã làm nghề được 7 năm, vì muốn giảm bớt áp lực công việc mà người phụ nữ này đã dùng thuốc ngủ cho đứa trẻ mới 2 tháng tuổi. Anh Trần nghi ngờ rằng bà Dương cũng làm hành động tương tự với những đứa trẻ khác trước đó.

Cảnh sát cho biết vụ án đã được thụ lý và họ đang tiến hành điều tra làm rõ. Theo một luật sự địa phương, hành vi của nữ bảo mẫu đã vi phạm quyền sống và sức khỏe của trẻ em. Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu người phụ nữ gây thương tích nhiều cho đứa trẻ rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.