Vị trí tâm bão lúc 21h: Khoảng 12,8oN; 109,7oE, ngay trên bờ biển các tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.

Trước đó, 18h, vị trí tâm bão số 6 ngay trên vùng biển các tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa, sức gió giật cấp 13. Các tỉnh đã bắt đầu có mưa lớn.

Chiều tối nay, bão số 6 đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa gây gió mạnh và mưa lớn.

Do ảnh hưởng của bão nên ở An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9).

Vị trí tâm bão lúc 18h: Khoảng 12,8oN; 110,3oE, ngay trên vùng biển các tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 13.

{keywords}
Gấp rút kè chắn các đoạn kè sạt lở tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn)
{keywords}
Sóng biển cao 5-6m dồn dập vào bờ biển xã Nhơn Hải. Ảnh: Phúc Nhơn

Dự báo trong những giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 4h sáng mai, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông trong tối nay còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.

Từ đêm nay ở Gia Lai, Đắk Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m.

Nguy cơ ngập lụt nhiều nơi

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng từ 100-150mm; Bình Định đến Khánh Hòa là 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk 100-200mm.

Dự kiến lúc 1h ngày 11/11 trên đất liền các tỉnh Bình Định- Khánh Hòa gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 (triều cường ở mức cao từ 1,8 -2m).

Hiện nay, các lực lượng chức năng đã thông báo cho 47.330 phương tiện/243.063 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để tránh. Đã di dời, chằng chống, gia cố 173.869 lồng bè.

Tính đến 16h, đã di dời 6.565 hộ/22.681 người tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Tất cả các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - NinhThuận đã cấm biển. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học ngày mai.

Do mưa lớn, dự báo trong 3-6 giờ tới, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại: Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Núi Thành, TP Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam); (Ba Tơ, Sơn Tây, Tây Trà, Sơn Hà, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi); M’ Đrắk, Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn (Đắk Lắk)...

18h, tại tỉnh Bình Định, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành sơ tán 2.855 hộ/10.596 nhân khẩu sống vùng nguy hiểm bởi bão lũ lên khu vực an toàn.

{keywords}
Người dân nấu ăn an toàn ở nơi tránh trú bão. Ảnh: Phúc Nhơn

Khu vực bờ biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), từ 18h những cột sóng cao 5-6m đánh vào bờ ngày một nhiều hơn. Toàn bộ các hộ dân sinh sống dọc bờ biển nơi này đã được chính quyền tổ chức di dời, bố trí ở tại nhà văn hóa xã.

Các nhà nghỉ Nam Trân (thôn Cửu Lợi Đông, xã Tam Quan Nam), nhà nghỉ Hoa Hồng (thôn Dinh Thạnh, xã Tam Quan Bắc) ở huyện Hoài Nhơn cũng mở cửa, hỗ trợ miễn phí cho người dân lưu trú ngày mưa bão.

Đối tượng ưu tiên là những gia đình có người già, trẻ nhỏ, nhà ở không đảm bảo, có nguy cơ tốc mái có thể đến tạm trú ở 2 nhà nghỉ trên. Nhà nghỉ đủ chỗ lưu trú cho trên 20 người...

Đến 21h tối 11/10, mưa lớn vẫn đang tiếp diễn tại các địa phương trong tỉnh Bình Định. Gió thổi mạnh, rít liên hồi. Cây cối rung lắt mạnh.

Tại TP Quy Nhơn, mưa lớn kèm gió mạnh đã gây sự cố lưới điện trên 2 xuất tuyến thuộc trạm biến áp 110 kV Quy Nhơn, gây mất điện cho 29.000 khách hàng. Đến 21h điện đã cấp trở lại...

Riêng tại KV4, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), đến 21h thì nhiều hộ vẫn chưa có điện do một trụ điện trung thế trên địa bàn phường Ghềnh Ráng (gần bến xe Trung tâm TP Quy Nhơn) chập, phát cháy. 

Tại Khánh Hòa:

 

Tối nay, ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, lực lượng chức năng vẫn chưa thể giải cứu 2 ngư dân đang mắc kẹt trên lồng bè do gặp bão số 6.

2 ngư dân bị mắc kẹt là anh Bùi Văn Hết (SN 1978) và Trần Hữu Sơn (SN 1986, cùng trú xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh).

Thông tin từ UBND huyện Vạn Ninh, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã vận động, đưa số lao động đang nuôi cá lồng bè tại khu vực lên bờ an toàn. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, 2 ngư dân trên đã tự ý quay lại lồng bè để cho tôm, cá ăn.

{keywords}
Tại huyện Vạn Ninh hiện có 2 ngư dân bị mắc kẹt tại khu vực lồng bè nuôi tôm, cá và cơ quan chức năng đang tìm cách giải cứu

Mưa to, gió lớn đã khiến 2 ngư dân không thể quay vào bờ. Hiện lực lượng chức năng đã liên lạc được với 2 ngư dân.Vị trí 2 ngư dân bị mắc kẹt là Bãi Tranh, Cổ Cò (xã Vạn Thắng) các thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) khoảng 20km.

Được biết, huyện Vạn Ninh có hơn 40.000 lồng nuôi trồng thủy hải sản, với số lao động trên lồng bè là hơn 2.600 người.

Công tác di dời lồng bè đã được huyện Vạn Ninh triển khai khẩn trương trong những ngày qua.

Cùng ngày, hàng trăm hộ dân thôn Thành Phát và Thành Đạt (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa), nơi xảy ra thảm họa lở đất khiến nhiều người chết vào năm ngoái đã được sơ tán đến nơi an toàn.

{keywords}
 
{keywords}
Người dân ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang) được di dời đến các điểm tránh bão tập trung

Hàng trăm người dân đã được chính quyền địa phương sơ tán đến ở tập trung tại Nhà văn hóa liên thôn Thành Phát - Thành Đạt.

Ông Bùi Cao Pháp, Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, để ứng phó với cơn bão số 6, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời 320 hộ dân, với hơn 1.200 nhân khẩu tập trung tại 3 thôn gồm Phước Lộc, Thành Phát và Thành Đạt.

Bà Nguyễn Thị Chín (56 tuổi) cho biết, khi nghe chính quyền địa phương tuyên truyền về cơn bão số 6, gia đình bà gồm 3 người đã thu dọn xuống nhà văn hóa trú bão.

“Mấy năm nay, năm nào gia đình tôi cũng đi sơ tán. Nhà đóng cửa lại, đồ đạc thì để lại bên trong. Cả gia đình chỉ mang theo mấy bộ áo quần” - bà Chín cho hay.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa, số hộ dân phải di dời tại các khu vực có nguy cơ sạt lở khi bão đổ bộ vào là gần 8.000 hộ, tương đương 33.700 dân. Tính đến trưa nay, tỉnh Khánh Hòa đã di dời hơn 600 hộ, với hơn 2.300 dân, tập trung ở huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh.

 

Xe bọc thép sẵn sàng ứng cứu đón bão số 6 đổ bộ Bình Định

Xe bọc thép sẵn sàng ứng cứu đón bão số 6 đổ bộ Bình Định

Đến 13h chiều 10/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã sơ tán 2.604 hộ/9.757 nhân khẩu sống ở vùng thấp trũng, sạt lở đến nơi an toàn.

 Hương Quỳnh - Phúc Nhơn - Vĩnh Linh – Trùng Dương