Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn đã ký công văn gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc; giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 6.
Học sinh, học viên được nghỉ học vào thứ 2 (ngày 11/11). Sau ngày đó, hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông căn cứ vào tình hình mưa lũ sau bão và thực tế ở địa phương để quyết định thời gian đi học lại, đề phòng tai nạn trên đường đến trường do bị nước lũ chia cắt, cây xanh, tường rào đổ sập, rò rỉ điện.
Trường học ở Bình Định chống bão |
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã đi kiểm tra công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 6 tại các trường học trên địa bàn huyện Tuy Phước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền TP Quy Nhơn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến kè biển ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Ảnh: báo Bình Định |
Nhiều trường học ở Bình Định tất bật chằng chống hệ thống mái, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 6.
Tại trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), sáng nay nhà trường huy động giáo viên, phụ huynh tổ chức chằng chống, đắp bao cát trên mái các dãy phòng học nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên chiều qua cũng đã ra văn bản cho phép toàn bộ học sinh nghỉ học vào ngày 11/11 để tránh bão.
Sở GD&ĐT tỉnh yêu cầu các phòng giáo dục và đào đạo, các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức các giải pháp ứng phó bão số 6.
Các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở; không tụ tập bạn bè xem bão, nước lũ ở sông, suối, hồ, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Mưa lớn khắp miền Trung, Tây Nguyên
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 110km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 10h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm nay đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực: Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng 100-200mm; Bình Định đến Khánh Hòa: 200-350mm, cục bộ một số nơi trên 400mm; khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc: 150-250mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Bão số 6 đổ bộ rạng sáng 11/11, miền Trung mưa lớn
Bão số 6 dự kiến đi vào đất liền các tỉnh Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Trọng tâm vùng ảnh hưởng là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Phúc Nhơn - Nhiên Ca